Cập nhật: 27/05/2020 19:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luật trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Dự kỳ họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh; các ông, bà đại biểu Quốc hội tỉnh.

Sau khi nghe báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu đồng tình với những nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát và cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 6/2019 cả nước đã phát hiện, xử lý trên 8.400 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 75%. Nguy hiểm hơn đối tượng xâm hại trẻ em là người thân trong gia đình, giáo viên, nhân viên giáo dục và hàng xóm thân quen là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Nguyên nhân của thực trạng này theo các đại biểu là do mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức, tình trạng lạm dụng rượu bia, phim ảnh đồi trụy, bạo lực trên mạng intenet chưa được ngăn chặn kịp thời. Một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đề xuất các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là các kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em. Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị một số vấn đề liên quan đến tăng cường các biện pháp đủ mạnh để bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em; hỗ trợ trẻ em trong quá trình tố tụng giải quyết tình trạng bị xâm hại, có giải pháp ngăn ngừa và xử lý nạn tảo hôn; nghiên cứu xây dựng chiến lược, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan, đặc biệt là chiến lược Quốc gia về Trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Ngày mai, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức đồng thời thông qua một số báo cáo, tờ trình theo Luật định. 

Văn Hải- Ngoc Anh

 

Tệp đính kèm