Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Mỹ Latinh, trong khi các nước Trung Đông bắt đầu siết chặt các quy định kiểm soát do ghi nhận nhiều ca mắc bệnh.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Brasilia, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến sáng 31/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 6.153.407 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó 370.871 ca tử vong, 2.734.556 ca bình phục.
Hiện Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca mắc bệnh và tử vong nhất thế giới (1.816.820/105.557). Đứng thứ hai về số ca nhiễm là Brazil (498.440), trong khi Anh đứng thứ hai về số ca tử vong (8.376).
Mỹ Latinh tiếp tục là ổ dịch phức tạp
Tại khu vực Mỹ Latinh, Bộ Y tế Mexico thông báo nước này ghi nhận 2.885 ca nhiễm và 364 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện hệ thống đèn báo hiệu trên bản đồ COVID-19 tại 30/32 bang của Mexico vẫn ở mức đỏ, có nghĩa dịch bệnh vẫn lây lan mạnh và chưa được kiểm soát.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới. Trong khi đó, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã lên kế hoạch tái khởi động lại các chuyến công du trong nước bắt đầu từ ngày 1/6.
Tình hình đại dịch COVID-19 tại khu vực Trung Mỹ cũng diễn biến phức tạp. Theo thống kê, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến gần 26.000. Mặc dù vậy, chính phủ các quốc gia Trung Mỹ này đều lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế vào tháng 6 tới.
Tại Uruguay, Tổng thống Luis Lacalle Pou cùng với một số quan chức chính phủ khác đã tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người được xác nhận nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nước này hiện vẫn có số trường hợp mắc COVID-19 ở mức dưới 1.000 người.
Italy bắt đầu mở cửa với các nước châu Âu
Tại Italy, nhà chức trách cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 416 ca mắc bệnh và 111 ca tử vong do COVID-19.
Chính phủ Italy đã công bố sắc lệnh mới về xuất nhập cảnh, theo đó kể từ ngày 3/6, công dân thuộc các nước trong khu vực Schengen và Anh sẽ không bắt buộc phải cách ly 14 ngày khi đến Italy. Quy định này cũng áp dụng với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen kể từ ngày 15/6. Dù chính phủ Italy đã công bố thời điểm mở cửa biên giới, nhưng một số nước châu Âu như Hy Lạp, Áo, Thụy Sỹ… vẫn quyết định đóng cửa với Italy.
Italy chuẩn bị mở cửa biên giới với các nước châu Âu. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trung Đông siết chặt các biện pháp phòng chống dịch
Bộ Y tế Qatar thông báo có thêm 2.355 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 55.262. Theo nhà chức trách, số ca nhiễm mới tăng gấp đôi do các gia đình tổ chức tụ tập, người dân phớt lờ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có quy định quan trọng nhất là ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với lệnh phong tỏa toàn quốc nếu người dân không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Ông Netnayahu đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ Y tế Israel xác nhận có thêm 120 ca nhiễm trong mấy ngày cuối tuần, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên hơn 17.000 ca kể từ khi bệnh dịch bùng phát hồi tháng 3.
Chính quyền Iraq công bố lệnh giới nghiêm toàn quốc trong một tuần để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 tại nước này. Biện pháp giới nghiêm được đưa ra sau khi Bộ Y tế Iraq công bố tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay đã tăng lên 6.179 ca, trong đó có 195 ca tử vong.
Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận thêm 1.367 ca nhiễm mới và 34 ca tử vong. Dù Ai Cập đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động thương mại song giới chức nước này vẫn tiếp tục áp dụng một số biện pháp, trong đó có gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần bắt đầu từ ngày 30/5, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Tất cả các nhân viên làm việc tại các khu chợ, siêu thị, cửa hàng, ngân hàng, các tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước...đều bắt buộc phải đeo khẩu trang. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng đối với các hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như tư nhân. Những người vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên tới 4.000 bảng Ai Cập (khoảng 255 USD)./.
Phun thuốc khử trùng tại Giza, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/dich-benh-covid19-tiep-tuc-tan-pha-khu-vuc-my-latinh/643099.vnp