Cập nhật: 03/06/2020 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hồ Tịnh Tâm là một trong những danh thắng nổi tiếng dưới thời nhà Nguyễn nhưng chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Vì thế UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cần nhanh chóng chỉnh trang cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật để xây dựng Hồ Tịnh Tâm thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Một góc mặt nước Hồ Tịnh Tâm đã thoáng và xanh trong hơn sau khi được tích cực vệ sinh môi trường và trục vớt bèo

 Suốt mấy chục năm qua, danh thắng Hồ Tịnh Tâm ở TP Huế bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nguồn nước, rác thải và hệ sinh thái cảnh quan. Gần như hệ thống nước thải của dân cư khu vực nội thành tập trung đổ ra hồ, trước khi ra sông Ngự Hà và sông Hương. Mặt nước của hồ vốn được trồng sen nổi tiếng xứ Huế, nhưng nhiều năm trở lại đây, diện tích trồng sen ngày càng thu hẹp, thay vào đó là sự sinh sôi ngày càng nhiều của bèo tây làm cho không gian sinh thái của di tích càng nhếch nhác.

Hồ Tịnh Tâm được xem là Thượng uyển của Hoàng gia và là địa danh trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh của vua Thiệu Trị. Hồ hình chữ nhật với chu vi gần 1.500m, trên mặt hồ có hai đảo Bồng Lai, Phương Trượng với hệ thống kiến trúc độc đáo của cung đình xưa. Tuy nhiên, các công trình và hạng mục trên hai đảo này đã hư hại gần như hoàn toàn. Nhằm xây dựng không gian cảnh quan và điểm đến di sản để thu hút khách du lịch cũng như phục vụ cộng đồng dân cư địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (viết tắt Trung tâm) tích cực xử lý môi trường và chỉnh trang cảnh quan ở Hồ Tịnh Tâm; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại danh thắng nổi tiếng này.

Những ngày vừa qua, Trung tâm đã huy động nhân lực đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường ở Hồ Tịnh Tâm. Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm cho biết, công tác chỉnh trang Hồ Tịnh Tâm được thực hiện tích cực, đội ngũ nhân lực của Trung tâm làm việc suốt tuần. Cùng với phong trào Chủ nhật xanh, Trung tâm huy động thêm lực lượng đoàn viên thanh niên và chính quyền địa phương ra quân dọn rác thải xung quanh hồ, hoàn thành trục vớt một phần bèo ở trên mặt hồ. Công việc chỉnh trang, phát quang và dọn dẹp môi trường cần có sự hỗ trợ của TP Huế. Phía Trung tâm tập trung vào chỉnh trang ở hai đảo Bồng Lai, Phương Trượng, mặt nước và đê Kim Oanh. Để kịp với tiến độ, dù nắng nóng gay gắt, nhưng mỗi ngày hàng chục cán bộ của các đơn vị phòng ban trực thuộc Trung tâm vẫn rất tích cực làm việc.

Đội ngũ nhân viên của Trung tâm tích cực chỉnh trang đoạn đê Kim Oanh của Hồ Tịnh Tâm

“Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành việc dựng cầu (bằng tre và gỗ) bắc qua đảo Phương Trượng; làm kè tre chống sạt lở và trồng tre dọc đê Kim Oanh. Sắp tới chúng tôi sẽ dựng nhà Bát giác mô phỏng theo nguyên bản trên đảo Bồng Lai; chỉnh trang hòn non bộ và trồng hoa cỏ, sắp xếp cây kiểng trên hai đảo. Dự kiến công tác chỉnh trang tổng thể Hồ Tịnh Tâm sẽ hoàn thành vào giữa tháng 8 tới và kịp đưa vào khai thác trong dịp Festival Huế 2020”, ông Sơn thông tin. Theo Trung tâm, dịp Festival Huế 2020 sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức tại Hồ Tịnh Tâm. Ngoài các hoạt động triển lãm, trưng bày nghệ thuật sẽ có một chương trình trình diễn nghệ thuật Áo dài. Không gian Hồ Tịnh Tâm được xây dựng thành sân khấu sẽ rất độc đáo, hấp dẫn.

Tại buổi kiểm tra công tác chỉnh trang Hồ Tịnh Tâm mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND TP Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư, kết hợp hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh, thường xuyên làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ; đồng thời, có kế hoạch xử lý hệ thống nước thải, cải thiện môi trường nước Hồ Tịnh Tâm. “Đây là một danh thắng nổi tiếng của Kinh thành Huế, cần bảo tồn và phát huy giá trị để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân. Việc chỉnh trang, phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích. Trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường. Khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo THÙY AN/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm