Cập nhật: 03/06/2020 10:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dù giảm quy mô và số lượng các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự, nhưng Ban Tổ chức Festival Huế 2020 vẫn xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc để phục vụ cộng đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xác định đây là “thời cơ” quan trọng để kích cầu, phục hồi du lịch cho địa phương và khu vực lân cận.

Hoạt động cộng đồng với trò chơi Hô bài chòi tại cầu ngói Thanh Toàn trong các kỳ Festival Huế

Festival Huế 2020 sẽ khai mạc vào cuối tháng 8 và kéo dài đến hết dịp lễ Quốc khánh 2.9. Trong tình hình tiếp tục công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo một kỳ lễ hội an toàn.

Điều chỉnh các chương trình chính

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế thông tin: Đến ngày 28.5, hiện có 7 quốc gia thông tin rằng sẽ có đoàn nghệ thuật dự Festival Huế 2020 nếu mở cửa các chuyến bay. Tuy nhiên, với dự báo của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) thì rất khó. Nên thay vào đó, kỳ Festival Huế lần này, “nguồn lực” chính là các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ trong nước.

Ban Tổ chức Festival Huế 2020 đã thống nhất điều chỉnh một số nội dung của các sự kiện, chương trình chính, nhưng về cơ bản khung chương trình gần như được giữ nguyên. Cụ thể, các lễ hội chính bao gồm: Chương trình nghệ thuật khai mạc, lễ hội đường phố, lễ hội ẩm thực, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc hội điện tử, trình diễn áo dài di sản gắn với hành hương tưởng nhớ ông tổ áo dài chúa Nguyễn Phúc Khoát... Đặc biệt, đêm bế mạc sẽ chính là đêm trình diễn Lễ hội Áo dài (thay vì chương trình nghệ thuật Văn hiến Kinh kỳ như kế hoạch trước đó).

Lễ hội đường phố với sự tham gia trình diễn của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế luôn là điểm nhấn và thu hút cộng đồng du khách của các kỳ Festival Huế. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, bắt buộc phải điều chỉnh lễ hội đường phố theo hướng khác phù hợp hơn. Ngoài việc các đoàn nghệ thuật quảng diễn, Ban Tổ chức cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động dân gian, cộng đồng vào lễ hội.

Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết, Ban Tổ chức huy động tối đa các đơn vị nghệ thuật tại Thừa Thiên Huế (Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Huế...) cùng các nhóm, câu lạc bộ của các trường và đơn vị nghệ thuật trên địa bàn cùng tham gia. Với các đoàn nghệ thuật trong nước, cũng đang điều chỉnh và xây dựng chương trình biểu diễn phù hợp. Dự kiến đến đầu tháng 7 sẽ thống nhất danh sách các đoàn tham dự Festival Huế 2020.

Dịp Festival Huế lần này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai đề án Ngày hội Áo dài Huế, với các hoạt động như: Hành hương tưởng nhớ ông tổ áo dài chúa Nguyễn Phúc Khoát; trình diễn áo dài di sản; phát động phong trào áo dài trong cộng đồng... Trong đó, chương trình trình diễn áo dài di sản sẽ được tổ chức ở danh thắng Hồ Tịnh Tâm…

Miễn phí vé tham quan ở các điểm di sản

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng khách đến Huế trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt, đạt 47% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 5.2020, Huế chỉ đón khoảng 65.000 lượt, chủ yếu là khách nội địa, chỉ bằng 17,8% so với cùng kỳ. Dự báo, lượng khách nội địa sẽ tăng trở lại từ khoảng tháng 7 tới, nên việc xây dựng các gói kích cầu, kết nối lữ hành đón khách đến Huế là cấp thiết.

Trao đổi với P.V Văn Hóa, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Festival Huế 2020 sẽ là thời điểm quan trọng cho kích cầu du lịch của địa phương, cho nên tỉnh đã thống nhất sẽ miễn 100% phí tham quan ở các điểm di sản (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế). Cùng với đó, phần lớn các lễ hội và chương trình chính của Festival Huế 2020 cũng không bán vé. Ban Tổ chức chỉ bán vé chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc để kiểm soát số lượng khán giả, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách khi tham gia chương trình.

Ông Định cũng cho biết, Festival Huế 2020 hướng đến khán giả trẻ, nên ngoài chọn lọc và điều chỉnh các chương trình nghệ thuật phù hợp thì Ban Tổ chức cũng xây dựng thêm các hoạt động cộng đồng sôi nổi như: Chương trình nhạc hội điện tử (diễn ra tại sân vận động Tự Do), chương trình đua SUP và đua ghe trên sông Hương...

Cũng nhằm đưa Festival Huế đến với cộng đồng nên Ban Tổ chức sẽ xây dựng không gian mở. Hai sân khấu chính cho các đoàn nghệ thuật biểu diễn sẽ ở quảng trường Ngọ Môn và Bia Quốc Học. Dọc các tuyến đường đi bộ và công viên ven sông Hương sẽ được bố trí các điểm biểu diễn với loại hình nghệ thuật đương đại.

Theo SƠN THÙY/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm