Cập nhật: 03/06/2020 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động truyền thông là quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; địa phương mở cửa du lịch, đảm bảo an toàn phòng, chống và sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh (đứng) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 2/6, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đồng tổ chức tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam."

Tại tọa đàm, ngành du lịch đã kêu gọi cơ quan truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kích cầu khách nội địa, quảng bá sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp...

Cần phát huy mặt trận truyền thông

Đánh giá về ngành du lịch hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong ba loại doanh nghiệp nhỏ, vừa và cao cấp thì doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn nhất.

Trong quý 1 năm 2020, ngành du lịch mất một số lượng đáng kể doanh nghiệp, nếu tình hình không cải thiện, dự kiến những quý tới sẽ mất thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều công văn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, nhưng vẫn còn tồn tại một số rào cản nhất định. Chính vì vậy, trong bối cảnh này, sở, ngành cần những giải pháp hiệu quả hơn để "giải cứu" và giữ được doanh nghiệp.

Trong thời gian gần đây, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" hướng đến mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19.

Chương trình phấn đấu thu hút sự vào cuộc tích cực của địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan du lịch, khôi phục thị trường nội địa. Mặt khác, chương trình cũng đảm bảo quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người lao động và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.

Cụ thể, nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động truyền thông là quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; địa phương mở cửa du lịch, đảm bảo an toàn phòng, chống và sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.

Ngoài ra, ngành truyền thông tăng cường hỗ trợ giới thiệu gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng sản phẩm dịch vụ.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch, nhất là doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành... Trước bối cảnh này, các cơ quan truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thông tin kịp thời đến người dân và hỗ trợ cho ngành du lịch.

Tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" lần này, cũng là một minh chứng cho sự chủ động của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc tuyên truyền, bàn giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch.

Thông qua tọa đàm, sự tham gia của các bên liên quan sẽ góp phần đưa ra những giải pháp kích cầu du lịch, nhất là giải pháp truyền thông du lịch hiệu quả, giúp ngành này sớm trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới.

Thúc đẩy quảng bá điểm đến an toàn

Tại tọa đàm, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, mặc dù ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nhưng doanh nghiệp không "ngủ đông," mà tận dụng cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, quản trị công ty...

Ngoài ra, ngay khi đại dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tung những gói kích cầu du lịch, chương trình ưu đãi hấp dẫn...

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist đề xuất giải pháp kích cầu du lịch Việt Nam. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

"Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Sở đã và đang triển khai kế hoạch truyền thông chiến dịch "Hello Hồ Chí Minh city - Thành phố Hồ Chí Minh xin chào"; chương trình kích cầu du lịch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ...

Cùng với thực hiện những nội dung kích cầu, kết nối truyền thông để hình thành chuỗi kích cầu du lịch với những hoạt động thiết thực là quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng chuỗi kích cầu du lịch hiệu quả, Sở yêu cầu doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cần tung những gói ưu đãi thật, kêu gọi sự tham gia của cơ quan truyền thông trên địa bàn", bà Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ thêm.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho hay, doanh nghiệp cam kết luôn đồng hành với các chương trình kích cầu du lịch của bộ, ngành.

Bên cạnh đó, những chương trình kích cầu du lịch mà Saigontourist tham gia sẽ luôn được đảm bảo chất lượng và tăng tiện ích dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề kết nối truyền thông, ông Võ Anh Tài đề xuất ý tưởng phát động những chương trình như người Việt Nam đi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, người Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế về thị trường, dân số đông, thu nhập bình quan cao... nên là thị trường lớn đối với du lịch nội địa. Nếu thực hiện được những chương trình cụ thể này, thì ngành Du lịch kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan truyền thông không khó, cũng như mang lại cơ hội giới thiệu, khai thác những điểm đến an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống kê khoảng sau 3 tuần triển khai chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", lượng khách đăng ký đã tăng lên so với giai đoạnđang diễn ra dịch COVID-19, nhưng tâm lý người dân vẫn quan ngại những điểm đến có an toàn hay không và không chủ quan với đại dịch.

Trong khi đó, những chương trình kích cầu du lịch của địa phương, doanh nghiệp chưa có sự phối hợp, chưa đến với người dân, đồng thời chưa có những sản phẩm thiết thực trong thu hút khách du lịch.

Do đó, muốn kích cầu du lịch, một số chuyên gia cho rằng, trong tình hình hiện nay không thể nào không thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch, cùng với đó là giải quyết tâm lý quan ngại đại dịch. Doanh nghiệp sớm xây dựng chương trình nội dung cụ thể kích cầu du lịch đối với từng nhóm du lịch nội địa, khách quốc tế và giải pháp truyền thông.

Còn đại diện một số cơ quan truyền thông cho rằng, cần định hướng du lịch trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân thông qua xây dựng những sản phẩm, gói kích cầu phù để không chỉ người giàu hay có điều kiện tài chính mới có thể đi du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành... nên nghiên cứu sản phẩm du lịch trả góp hay tái cấu trúc thêm những sản phẩm mới phù hợp với xu thế tiêu dùng, du lịch sau dịch bệnh.

Trong đó, ngành Du lịch phải đẩy mạnh kết nối với ngành Truyền thông quảng bá những điểm đến an toàn, mang lại cảm hứng cho người Việt Nam khi đi du lịch Việt Nam./.

Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tphcm-keu-goi-truyen-thong-kich-cau-du-khach-noi-dia/643550.vnp

Tệp đính kèm