"Nếu ai đã dùng thanh toán điện tử trên mobile, kể cả tiền điện, điện thoại, mua hàng hóa... tôi nghĩ rằng không ai muốn quay trở lại để thanh toán bằng tiền giấy nữa" - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh về sự thuận tiện của thanh toán điện tử nếu thật sự biết tận dụng.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được sử dụng nhiều tại Việt Nam. (Ảnh: NGỌC DƯƠNG)
Những con số “biết nói”
Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Rất nhiều con số ấn tượng cho thấy người Việt Nam đang dần quen với thanh toán không tiền mặt và nhiều người nhận được lợi ích không nhỏ.
Thống kê của NHNN cho thấy, tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm 2019 qua kênh mobile banking lần lượt là 198% và 210%; các kênh ineternet banking và ví điện tử cũng đều tăng trưởng khoảng 37-86% so với cùng kỳ.
Tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ 62% của năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm 2019, cho thấy sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hằng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử.
Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công cũng cải thiện đáng kể. Khoảng 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế tính đến cuối năm 2019. Hơn 95% số thu của hải quan và 90% tiền điện được đóng qua ngân hàng. Thậm chí, một số bệnh viện cũng có lượng giao dịch viện phí không tiền mặt đến 35%.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết: Hiện Napas xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày, tức gần 21.000 tỷ đồng/ngày, tương ứng gần 1 tỷ USD thanh toán không dùng tiền mặt mỗi ngày.
Khảo sát của VISA ghi nhận 74% người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng công cụ không tiền mặt vì họ cho rằng phương tiện chấp nhận thanh toán đang nhiều lên, đồng nghĩa việc mang tiền mặt sẽ được hạn chế. Khoảng 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và 42% trong số đó thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán một lần một tuần hoặc nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nhìn vào các con số thống kê về thanh toán không tiền mặt thì thấy rõ ràng thanh toán điện tử ở Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng rất nhanh, hình thức thanh toán rất đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cơ hội vàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm.
Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong ba tháng đầu năm 2020 tăng hơn 21 % so với ba tháng đầu năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong ba tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ: "Chúng tôi rất nghiêm túc đón đầu xu hướng thanh toán không tiền mặt, đưa điều này trở thành thói quen cho người tiêu dùng bằng cách để họ nhìn thấy nhiều tiện ích chứ không gói gọn trong từng đợt hoặc theo phong trào". Đây chính là “cơ hội vàng” cho lĩnh vực thanh toán của Việt Nam phát triển.
Ở tầm vĩ mô, ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cần tập trung nguồn lực và nỗ lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, cả nhà nước và tư nhân với các giải pháp đồng bộ về cơ sở pháp lý, hạ tầng tài chính, truyền thông, giáo dục tài chính cộng đồng nhằm thay đổi thói quen và nâng cao niềm tin cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Đồng thời, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng, đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội trước những tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giúp tăng “sức đề kháng”, “sự dẻo dai”, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những biến cố khó lường như dịch Covid-19.
Theo MAI LINH/nhandan.com.vn