Việt Nam quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế xanh bền vững biển, đảo Việt Nam.
“Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”
Ngày Đại dương thế giới (8/6) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Ngày Đại dương thế giới năm 2020 với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, sẽ là cơ hội để giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới...
Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương.
Để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung 5 lĩnh vực quan trọng cần đổi mới và đột phá là: Tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; coi khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa.
Chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của ta.
Các khẩu hiệu tuyên truyền biển và hải đảo Việt Nam năm 2020: Về chủ quyền biển đảo, Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Hoàng Sa -Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam; Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc; Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Về rác thải nhựa: Ngăn chặn ô nhiễm nhựa và khuyến khích các giải pháp đổi mới vì một đại dương khỏe mạnh; Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh; Vì một đại dương sạch không rác thải nhựa; Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa; Bảo vệ môi trường biển, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ; Chung tay gìn giữ màu xanh của biển.
Về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam: Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển; Sử dụng bền vững nguồn lợi từ biển và đại dương là trách nhiệm của chúng ta; Thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Phát triển bền vững kinh tế biển – Không một ai bị bỏ lại phía sau.
Về đổi mới vì một đại dương bền vững: Cùng hành động để bảo vệ và phục hồi đại dương; Bảo tồn hành tinh xanh, tạo nên sự khác biệt; Đổi mới vì cuộc sống dưới lòng đại dương; Đổi mới, sáng tạo để phát triển kinh tế biển xanh.
Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương. “Đây cũng chính là dịp để các địa phương ven biển, các cơ quan, doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo để phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương”.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2020 sẽ có những hoạt động thiết thực như: Các chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng,…
Theo ông Thi, nhiều địa phương ven biển hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ yếu do rác thải sinh hoạt của người dân, nhất là ở vùng cửa sông, cửa lạch gần khu vực dân cư sinh sống. Nhận thức trách nhiệm trong công tác ngăn ngừa, giảm thiểu dịch bệnh; đồng thời mong muốn nhân dân có môi trường sống an toàn.
Nhiều địa phương ven biển hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ yếu do rác thải sinh hoạt của người dân, nhất là ở vùng cửa sông, cửa lạch gần khu vực dân cư sinh sống.
Hoạt động “Làm sạch biển” đã được triển khai tại 28 tỉnh, thành ven biển nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển bằng những hoạt động thiết thực.
Các cơ quan, đơn vị tại địa phương đã tích cực phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ các địa phương tổ chức ra quân dọn sạch bờ biển với tinh thần “Ngày tình nguyện làm sạch biển”…Nhờ đó, nhiều “điểm đen” về rác thải được xóa bỏ, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, làm sạch bờ biển.
“Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo”, ông Thi thông tin.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng biển, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao thuộc 12 huyện đảo và các cấu trúc trên biển có người sinh sống; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển…
“Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển”, ông Thi nhấn mạnh./.
Theo Văn Ngân/VOV.VN