Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 109.775 trường hợp mắc COVID-19 và 3.276 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt quá 7 triệu người.
Đến ngày 8/6, số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 405.074 người. Khu vực châu Mỹ, nhất là Mỹ Latin, chứng kiến đại dịch diễn biến phức tạp, theo hướng nghiêm trọng hơn; trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang đẩy nhanh nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới, xếp thứ hai là Brazil với 691.962 ca nhiễm và 36.499 ca tử vong.
Theo Reuters, số ca tử vong ở Brazil đang tăng nhanh và quốc gia Nam Mỹ này có thể vượt Anh về số ca tử vong. Trong ngày 7/6, người dân Brazil đã xuống đường để hưởng ứng các cuộc biểu tình chống kỳ thị, phân biệt đối xử sau cái chết của một người Mỹ da màu ở Mỹ. Tuy nhiên, tại Brazil, người dân đổi thành lời kêu gọi: "Mạng người thổ dân cũng đáng quý".
Các cộng đồng thổ dân ở Mỹ Latinh, trong đó có ở Brazil thiếu khả năng tiếp cận thông tin y tế đáng tin, không có hạ tầng và dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở khu vực này.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, dù xu thế dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Tính tới sáng 8/6 theo giờ Việt Nam, số ca mắc COVID-19 tại "xứ sở cờ hoa" đã vượt quá 2 triệu người.
Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận 18.423 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 370 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và thiệt mạng tại nước này lên lần lượt 2.006.967 và 112.466 ca.
Mỹ hiện đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh mới khi các bang đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại, giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc bùng nổ ở hơn 300 thành phố của Mỹ hiện nay.
Chile trong 24 giờ qua là quốc gia Mỹ Latin có số ca tử vong cao nhất và cũng là cao nhất thế giới, với 649 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.190 người.
Số ca mắc COVID-19 mới tại Chile cũng tăng thêm 6.405 người trong ngày 7/6. Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 134.150 người.
Hiện vẫn còn khoảng trên 22.000 trường hợp đã được theo dõi y tế, trong đó có 1.294 trường hợp đang được điều trị tích cực bằng máy thở.
Peru cũng ghi nhận thêm 4.757 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 196.515 trong đó có 5.465 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai tại Mỹ Latin, sau Brazil.
Ấn Độ hiện đứng thứ 6 trên thế giới về số người nhiễm COVID-19. Số người tử vong ở nước này là 10.884.
Theo báo Times of India ngày 8/6, ngày hôm nay là ngày các trung tâm thương mại, đền thờ, các địa điểm công cộng ở Ấn Độ được mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số ca nhiễm virus trong ngày Chủ nhật 7/6 lại tăng lên, với hơn 10.700 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Ấn Độ có số ca nhiễm mới trên mốc 10.000.
Tại Đông Nam Á, dù Singapore có số ca nhiễm virus corona chủng mới cao nhất, Indonesia lại là nước có nhiều ca tử vong nhất với 1.851 người tử vong.
Chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn tại Bogor, Depok và Bekasi, 3 thành phố lớn thuộc khu vực đại Jakarta, tới ngày 2/7. Tuy nhiên, lệnh hạn chế sẽ được điều chỉnh theo từng địa phương dựa trên mức độ khẩn cấp của mỗi nơi.
Tại châu Âu, xu thế hạ nhiệt vẫn giữ được đà và nhiều nước đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại. Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15/6 để cho "các tín đồ cá nhân" đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi đó, các dịch vụ hay các nhóm cầu nguyện tập thể sẽ vẫn bị cấm trong thời gian này do lo ngại virus SARS-CoV- 2 có thể lây lan nhanh trong các không gian khép kín.
Theo An Bình/chinhphu.vn