Ðể có thể mở cửa đón khách du lịch quốc tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan. Theo các nhà quản lý và hoạt động du lịch, ngay từ lúc này, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể và có kế hoạch hành động ngay để đón đầu thị trường khách quan trọng này.
Ngành du lịch đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị phương án đón khách quốc tế trở lại khi tình hình cho phép. Trong ảnh: Khách quốc tế đến Hội An khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được truyền thông quốc tế thường xuyên nhắc tới và đánh giá cao. Vì thế, trước mắt ngành du lịch cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao vị thế và khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Ðây cũng là ý kiến được nhiều đại diện các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú du lịch đồng tình khi tham dự Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" tổ chức mới đây tại Hà Nội. Với số ca mắc Covid-19 rất thấp và tỷ lệ tử vong hiện tại là 0%, nếu xác định được thời gian mở cửa đón khách quốc tế hợp lý, Việt Nam sẽ tạo ra được thế mạnh cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực vẫn đang ở tình trạng phong tỏa theo các mức độ khác nhau. Ðối với du lịch quốc tế, nhất là các thị trường xa, để thu hút khách đến, luôn cần độ trễ nhất định bởi du khách cần thời gian để tìm hiểu, lựa chọn, quyết định và chuẩn bị các thủ tục liên quan. Ngay từ lúc này, công tác truyền thông để quảng bá về việc Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn cần được tích cực đẩy mạnh, nhất là thông qua các công cụ e-marketing, truyền thông số.
Ðể khẳng định thông điệp nêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ Nhà nước tới các tổ chức, doanh nghiệp du lịch, sao cho mọi hoạt động du lịch đều được triển khai an toàn, hấp dẫn. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp để có thể vận hành trở lại, nhất là với các doanh nghiệp hàng không, bởi đường bay quốc tế là yếu tố sống còn để đưa khách nước ngoài tới Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác trong, ngoài ngành để tạo cơ chế vận hành an toàn trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giá cả hợp lý. Ông Ken-nét Át-kin-xơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) khẳng định: Du khách quốc tế chỉ có thể quay trở lại Việt Nam với điều kiện chúng ta tiếp đón họ an toàn. Ðiều này cũng giúp người dân loại bỏ rủi ro lây nhiễm qua cộng đồng.
Nhằm mục tiêu đón đầu lượng khách du lịch quốc tế, chỉ đưa ra tiêu chí an toàn trong vận hành tua là chưa đủ, còn cần lựa chọn đón khách từ những thị trường an toàn. Ðiều này đòi hỏi ngành du lịch cần có sự phối hợp các bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế trong việc xác định những thị trường khách an toàn để không bị lọt dịch vào Việt Nam, đồng thời xây dựng những chính sách kích cầu hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến từ vùng an toàn tới Việt Nam du lịch. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo sức hút với du khách quốc tế là cần có chính sách thị thực thông thoáng, tiện lợi hơn nữa.
Hiện tại, Tổng cục Du lịch đang xây dựng các kịch bản để đón khách quốc tế khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nếu dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường trọng điểm, Tổng cục sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng hạn chế, khởi động lại việc quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về kiểm soát y tế. Khu vực ASEAN và Ðông-Bắc Á có thể là những thị trường cần tập trung thu hút trước tiên. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm lại phải tính đến phương án khác bởi thực tế tình hình dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp… Một số chuyên gia cho rằng nên có cơ chế công nhận tiêu chuẩn về chứng nhận sức khỏe giữa các quốc gia tham gia trao đổi khách để bảo đảm chỉ có những du khách đủ điều kiện sức khỏe mới có thể tới du lịch Việt Nam và ngược lại, nhằm tạo hành lang du lịch an toàn trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Theo VIỆT ANH/nhandan.com.vn