Đã quen với phố thị ồn ào, tôi muốn đến một nơi xa nào đó để thăm thú dịp cuối tuần. Bạn học cùng tôi là Triệu Duy Linh, người dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn hồ hởi mời chào: “Anh đủ sức theo xe máy 250 cây số không, lên quê em chơi, tha hồ ngắm nghía thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng”.
Vui với lời mời, tôi hăm hở ngồi xe chạy nửa ngày trời qua những cung đường uốn lượn. Tạm nghỉ dưới bóng cây xanh mát, Linh giới thiệu phía trước là khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, bao gồm hệ thống hang động, hồ nước, rừng nguyên sinh đa dạng, trong đó có một dòng thác đổ từ đỉnh núi xuống là nguồn cung cấp nước cho hồ Ba Bể. Xe tiếp tục qua những thung lũng nhỏ rồi men theo sườn núi ngược dần lên cao cho đến khi nhìn thấy dòng thác tung bọt trắng xóa. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bạn hồ hởi nói xen lẫn tiếng thác reo vui: “Đây là thác Tát Mạ, món quà của thiên nhiên dành cho những ai ưa khám phá trải nghiệm”.
Thác Tát Mạ tung bọt trắng xóa.
Như một hướng dẫn viên du lịch, Triệu Duy Linh giải thích: Tát Mạ là tiếng địa phương, “tát” nghĩa là “thác”, còn “mạ” nghĩa là “ngựa”. Người già trong vùng kể rằng, xưa kia, khu vực rừng núi quanh thác rất hoang vu, chỉ nghe tiếng thác đổ ào ào từ xa. Mỗi khi có mưa dông, sấm chớp thì dòng thác phát ra những âm thanh kỳ lạ như tiếng một đàn ngựa hí phi nước đại về trời. Vì thế, dân bản gọi thác nước này là Tát Mạ. Do cây cối rậm rạp không ai dám đặt chân đến, lại thêm những câu chuyện ly kỳ khiến dòng thác càng trở nên huyền bí.
Thác Tát Mạ thuộc xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), được hình thành tự nhiên trên lưu vực suối bản Duống bắt nguồn từ một đỉnh núi cách đó khoảng 10km, kết hợp với hai con suối Tàng Na và Bản Mán rồi chảy ra hợp lưu với sông Tà Lèng đổ về hồ Ba Bể. Do chảy dọc theo núi đá có độ dốc cao nên dòng nước đổ ào ào trắng xóa như một bức rèm phủ giữa núi rừng xanh thẳm. Thác không chỉ uốn mình từ đỉnh núi xuống mà còn luồn lách giữa các khe đá hình thành nên các tầng bậc khác nhau y như những trường đoạn cao thấp của một bản hòa ca đa âm sắc. Ở mỗi “quãng nghỉ”, thác lại tạo ra một suối nước nhỏ. Bao quanh là những khối đá lớn bị nước bào mòn nhẵn nhụi, phía dưới thảm cát vàng mịn màng nằm yên để sóng thác vỗ về. Dòng nước tự nhiên thanh lọc qua bao tầng đá trở nên trong vắt, có thể nhìn thấy hình hài từng viên sỏi.
Chẳng những được nghe âm thanh nhạc nước reo vui, tôi còn được hòa mình vào dòng nước mát trong. Có vài bạn trẻ muốn thử cảm giác mạnh thì thả mình dưới lòng suối để đón dòng nước từ độ cao khoảng 40m giội trực tiếp vào người. Sức nước như đàn ngựa ở trên cao bị kìm lại bỗng đứt dây cương bổ nhào ra giữa không trung. Người dưới chân thác hứng những tia nước mát lạnh bắn vào cơ thể dẫu có tê rát vẫn thấy thích thú. Sau khi vùng vẫy, tôi khẽ ngả lưng phơi mình trên phiến đá ngắm nhìn trời đất, lòng nhẹ bẫng như trút hết bao gánh nặng ưu tư. Khu vực thác Tát Mạ vẫn còn vắng vẻ nên chưa có nhà hàng, quán ăn phục vụ, vì thế, ai đến đây cũng tự mang theo đồ ăn uống. Bên sườn núi, mấy hòn đá ghép lại, lửa than rực hồng mùi thịt nướng ướp gia vị, mắc khén thơm lừng. Chúng tôi nhẩn nha nắm xôi nếp nương cùng ngắm dòng thác bạc lấp lánh ánh nắng vàng, trời đã quá trưa mà hơi nước vẫn phả ra mát lạnh.
Mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, khu vực thác Tát Mạ là địa điểm được nhiều khách ngoại quốc tìm đến. Họ chủ yếu là những người trẻ, tự thuê xe máy chạy đến đây ngắm cảnh, tắm thác. Tuy nhiên, các hoạt động tham quan ở đây vẫn là tự phát. Mong sao địa phương làm tốt công tác quảng bá, hình thành những tua du lịch để nhiều du khách đến chiêm ngưỡng cảnh sắc Tát Mạ cùng những trải nghiệm thú vị.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/thac-tat-ma-reo-vui-giua-nui-rung-622484