Nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra những đánh giá tích cực về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Gia tăng sức cạnh tranh
Hãng thông tấn AP của Mỹ ngày 8/6 đã có bài viết có tựa đề “Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Bài viết đưa ra nhận định, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh và sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, mới có thêm Việt Nam đạt được Hiệp định thương mại tự do với EU.
EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế EU-Việt Nam. Ảnh: Reuters
AP cũng dẫn lời ông Michael Sieburg, đối tác của YCP Solidiance – hãng tư vấn chiến lược chuyên về châu Á thuộc tập đoàn YCP Group – nhận định: “EVFTA sẽ trở thành động lực tích cực thu hút các nhà sản xuất tới Việt Nam. Nhờ có EVFTA, các nhà sản xuất muốn đặt cơ sở sản xuất trong khu vực và tìm kiếm cơ hội tiếp cận tốt hơn tới thị trường châu Âu sẽ muốn tìm đến Việt Nam hơn”.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 8/6 cũng ra tuyên bố đánh giá cao Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam: “EVFTA có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động thương mại bình thường bị đứt gãy ở quy mô chưa từng có tiền lệ”.
Cũng theo EuroCham: “Hiệp định này thực sự là “chiến thắng chung” không chỉ cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam mà còn cả các công dân của cả hai bên. Bước đi sắp tới là phải đảm bảo việc thực thi Hiệp định này một cách suôn sẻ và hiệu quả”.
Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström đưa ra những nhận định tích cực về EVFTA. Ảnh: AP
Trước đó, trong báo cáo “Hướng dẫn về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)”, Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström nhận định: “Việc EU và Việt Nam đã hoàn tất Hiệp định thương mại tự do là một thông tin tốt lành – đây là điều mà cả hai bên đầu cần nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như tạo ra việc làm ổn định cho người dân.
Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định tham vọng nhất mà EU đã thống nhất với một quốc gia có thu nhập trung bình. EVFTA đã đề ra những chuẩn mực mới trong việc hợp tác giữa EU với các nền kinh tế mới nổi.
EVFTA cũng tạo ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu và đầu tư của EU. Việt Nam có một nền kinh tế năng động với hơn 90 triệu người tiêu dùng, cùng lực lượng lao động trẻ trung và năng động. Đây cũng là một thị trường tiềm năng cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU”.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet nhận định: “Hiệp định EVFTA đánh dấu cột mốc mới trong mối quan hệ bền vững và “đơm hoa kết trái” mà các thành viên EU và Việt Nam đã được hưởng trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong thời gian đó, Việt Nam đã trải qua mức tăng trưởng kinh tế rất đáng chú ý.
Mục tiêu của EU là thông qua các hiệp định về thương mại và đầu tư, chúng tôi có thể khuyến khích ngày càng nhiều các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Việt Nam cũng như thúc đẩy việc tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
EVFTA sẽ giúp hàng hoá Việt Nam và EU dễ dàng tiếp cận thị trường hai bên. Ảnh: Reuters
Những tác động trên thực tế
Cũng đề cập Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tờ Express.co.uk của Anh lại đưa ra những thông tin chi tiết hơn về những điều khoản đáng chú ý của Hiệp định này cũng như những tác động chính của EVFTA đối với cả Việt Nam và các đối tác châu Âu.
Theo đó, sau khi EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp khoảng 10 năm đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU vào nước này, trong đó có xe hơi. Ngược lại, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho EU tăng cường tiếp cận các dịch vụ của Việt Nam, trong đó có ngành bưu chính, ngân hàng, vận tải thuỷ và mua sắm công.
Ngoài ra, việc phê chuẩn EVFTA đồng nghĩa với việc Việt Nam đồng ý nâng tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hoá của mình tương xứng với những tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Việt Nam cũng cam kết ưu tiên cho các loại thực phẩm và đồ uống châu Âu như sâm panh Pháp, pho mát feta của Hy Lạp…
Trong khi đó, EU sẽ dỡ bỏ 85% thuế quan cho các loại hàng hoá Việt Nam, và sẽ cắt giảm 15% còn lại trong vòng 7 năm tới. Ngược lại, Việt Nam sẽ cắt giảm 49% thuế đối với hàng hoá xuất khẩu từ EU vào Việt Nam và 51% còn lại trong vòng 10 năm./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN