Là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng trên khu vực lòng hồ thủy điện. Bởi vậy, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ nên được du khách ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Nằm giữa những vách đá hùng vĩ, những ngọn núi đá vôi đồ sộ và những cánh rừng nguyên sinh sâu hun hút, hồ Na Hang hiện lên với một khung cảnh ngập tràn sắc xanh. Đó là sắc xanh của cây, của nước quyện cùng sắc xanh của mây trời. Chúng tôi bắt đầu di chuyển bằng thuyền để tham quan lòng hồ. Điểm đầu tiên là núi Pắc Tạ. Đây là ngọn núi nằm cạnh hồ thủy điện với cảnh sắc non nước núi rừng hùng vĩ. Núi Pắc Tạ là ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang, có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu và lòng hồ Nà Chác trong xanh, cùng những cánh đồng lúa xanh mượt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh tĩnh mịch hoang sơ. Tiếp đến, chúng tôi rủ nhau đến thăm ngôi đền Pắc Tạ nằm ngay dưới chân núi. Bác lái thuyền tên Trần Văn Lâm kể: “Đền Pắc Tạ được xây dựng vào thế kỷ thứ 14. Đền thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285. Người dân trong vùng đến với Pắc Tạ linh từ để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh”.
Hồ Na Hang thu hút khách du lịch.
Điểm đến tiếp theo là thác Khuổi Nhi, nơi đây đúng là tuyệt phẩm của mẹ thiên nhiên ban tặng con người. Ngược theo dòng thác lên đỉnh cao nhất, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp say đắm lòng người. Dòng thác cao vút, bọt tung trắng xóa đổ dồn xuống một bể nước tự nhiên trong xanh, kỳ ảo, đẹp mê hồn. Từng bậc thác mềm mại, trắng xóa nối đuôi nhau đổ xuống chân núi như một suối tóc mây màu trắng mềm mại của người con gái, buông hờ xuống mặt hồ phẳng lặng. Chúng tôi được hòa mình trong dòng nước mát lạnh từ thượng nguồn đổ xuống. Giữa tiết trời nắng nóng mùa hè thì nơi đây trở thành điểm tránh nóng lý tưởng cho mọi người.
Cọc Vài là điểm đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi. Đây vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm (Lâm Bình, Tuyên Quang). Trước khi có hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này, bởi địa hình hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, đây là một trong 8 phân khu chức năng của Khu du lịch sinh thái Na Hang. Theo chúng tôi tìm hiểu, chính quyền địa phương đang xây dựng Khu du lịch Lâm Thủy Cọc Vài với những hạng mục chính, như: Khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ nhà hàng, khách sạn trên mặt nước...
Ngoài ra, người dân địa phương còn giới thiệu cho chúng tôi nhiều địa điểm du lịch khác, như: Thác Mơ, rừng Phiêng Bung, núi Sa... Trên đường vào Phiêng Bung, từ trên cao nhìn xuống, những bản làng thấp thoáng trong màu xanh của núi rừng trông thật bình yên. Đặc biệt là vào mùa lúa chín, đến với xã Hồng Thái, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những khoảng ruộng bậc thang vàng ươm và tham dự lễ hội Mù Là của người dân nơi đây.
Khi đến với Na Hang, chúng tôi đã được thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng, như: Xôi ngũ sắc, thịt lợn rừng, rau ngót rừng, rau bồ khai... Với những lợi thế trên, Na Hang đang vươn mình trở thành một địa phương tiên phong về phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang.
Bài và ảnh: HUYỀN CHI/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/kham-pha-ve-dep-na-hang-624616