Cập nhật: 24/07/2020 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng kho hàng lậu “khủng” tại Lào Cai có doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi ngày, lực lượng chức năng phải sử dụng 34 container mới chứa hết số hàng lậu này.

Tại cuộc họp báo do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức chiều 23/7, thông tin về vụ việc lực lượng QLTT vừa triệt phá kho hàng lậu, hàng giả, cung cấp cho các giao dịch qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố Lào Cai, ông Nguyễn Kỳ Minh, Tổ trưởng Tổ 368, Tổng cục QLTT cho biết: vụ việc được “bóc gỡ” sau 6 tháng lực lượng QLTT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát động mũi tấn công vào kho hàng lậu, hàng giả này.

Kho hàng có quy mô trên 10.000m2, địa chỉ 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai được dùng để chứa, trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên Internet, do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu.

Hàng chục vạn mặt hàng nhập lậu, giả tại Lào Cai được bán công khai trên Facebook. (Ảnh: KT)

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu. Lực lượng chức năng phải mất 4 ngày 4 đêm mới kiểm đếm xong toàn bộ số hàng này, niêm phong vào trong 34 container. Tổng số sản phẩm tạm giữ là hơn 158.000 đơn vị sản phẩm của 237 chủng loại hàng hóa.

Qua khai thác thông tin ban đầu, nhóm của Trần Thành Phú đã thuê trên 70 nhân viên các loại để vận hành kho hàng và kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook. Mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ như vậy là hơn 10 tỷ đồng. Sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn tới thời điểm kiểm tra của nhóm đối tượng là hơn 649 tỷ đồng, chỉ trong chưa đầy 2 năm vừa qua.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, nêu rõ, đây là vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước tới nay mà quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

“Trong kho hàng đó chúng tôi kiểm đếm xếp đủ 34 container, toàn bộ hàng hóa sau 24 giờ đối tượng không đưa ra được giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm này. Rất nhiều sản phẩm chúng tôi mời các chủ thể quyền lên để thẩm định cũng như định giá lô hàng này thì 100% là hàng lậu, trên 600 sản phẩm là hàng giả các thương hiệu của các chủ thể quyền đã đăng ký thương hiệu ở Việt Nam”, ông Nguyễn Kỳ Minh nói.

Cũng theo lực lượng QLTT, điều tra vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán đều trên mạng, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đánh giá, kết quả của cuộc bóc gỡ tổng kho hàng lậu khủng tại Lào Cai là vụ việc điển hình, cho thấy cần phối hợp lực lượng chặt chẽ hơn nữa để đánh trúng đối tượng cầm đầu, đầu nậu, đặc biệt là kinh doanh trên thương mại điện tử. 

“Vấn đề thương mại điện tử là vấn đề rất lớn, văn phòng thường trực đang phối hợp với các cơ quan chức năng. Hiện nay, chúng tôi đang dự thảo và chuẩn bị trình cho Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ ban hành kế hoạch chuyên đề chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hy vọng thời gian tới, ban hành được kế hoạch chuyên đề này thì các lực lượng chức năng sẽ phối hợp với nhau để xử lý, từng bước đấu tranh ngăn chặn vi phạm trên hoạt động thương mại điện tử đang diễn ra phức tạp”, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh...

Từ kinh nghiệm thực tế rút ra từ vụ việc tổng kho hàng lậu lớn nhất từ trước đến nay, Tổng cục QLTT kiến nghị, thời gian tới công tác chống hàng giả, hàng gian lận thương mại cần sự vào cuộc của nhiều ngành, lĩnh vực như công an, thuế, ngân hàng, thông tin truyền thông, hải quan. Đặc biệt, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc đàm phán với các nền tảng Facebook, Zalo nhằm kiểm soát người kinh doanh trên hạ tầng mạng xã hội, ngăn chặn lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng giả./.

Theo Phạm Hạnh/VOV1

Tệp đính kèm