Cập nhật: 29/07/2020 09:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong bối cảnh những thách thức to lớn đang đòi hỏi sự chuyển mình vận động để có thể tồn tại và phát triển, ngành du lịch cần phải thay đổi cách tiếp cận, các quan điểm trong phát triển để thích ứng với sự biến động không ngừng của thế giới, đặc biệt là cách tiếp cận về sản phẩm du lịch.

Du khách tham gia trò đu dây vượt thác Datanla - Ðà Lạt.

Chú trọng tính trải nghiệm

Nếu như trước đây, quan điểm về phát triển sản phẩm du lịch là dựa trên tài nguyên và các nhà cung ứng đóng vai trò chủ động thì hiện nay, quan điểm này đã phải thay thế bằng cách tiếp cận dựa trên trải nghiệm của du khách trong đó khách du lịch không còn là những khán giả chỉ biết ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên hay lắng nghe giới thiệu về các giá trị văn hóa, lịch sử mà đã trở thành người nắm vai trò chủ động trong các "cuộc chơi"/"chuyến đi" của chính mình khi họ trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo, khám phá và tận hưởng hành trình du lịch tại một hoặc nhiều điểm đến nào đó. Hiện nay, khách du lịch hướng tới những giá trị thật được thiết lập trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi) và đặc biệt là tính trải nghiệm.

Nghiên cứu TripBarometer - trên Tripadvisor với những thông số về xu hướng du lịch chính trong nhiều năm gần đây (từ năm 2015 đến 2018) cho thấy xu hướng hàng đầu của du khách là tìm kiếm trải nghiệm mới. Chẳng hạn báo cáo nghiên cứu năm 2018 cho thấy 89% số du khách thích du lịch để khám phá các điểm đến và các nền văn hóa mà họ chưa từng trải nghiệm trước đây. Vì thế, từ góc độ cung ứng du lịch, các điểm đến cần phải quan tâm hơn đến tính trải nghiệm và tính kết nối trong hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch của mình để sáng tạo hơn, đa dạng hơn, tạo ra tính bản sắc, độc đáo nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến.

Cần tầm nhìn trong quy hoạch và chiến lược

Những nhận định như sản phẩm du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù, đủ sức cạnh tranh… thường hay xuất hiện trong các báo cáo của địa phương, ngành và báo chí. Ðây là một thực trạng đáng phải xem xét và liên quan khá nhiều đến phương thức phát triển sản phẩm ở nhiều cấp độ, từ cấp độ vi mô như các cá nhân, hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung ứng du lịch với chủ yếu là khách hỏi gì bán đó hoặc nhà có gì phục vụ đó đến các làng, xã, doanh nghiệp, tập đoàn với cách thức phát triển sản phẩm hoặc dựa trên tài nguyên tự nhiên sẵn có như thác nước, hồ hay rừng, tài nguyên nhân văn hiện hữu, phục dựng hoặc xây dựng mới như đền đài, miếu mạo, lễ hội, trang phục,… để bán vé tham quan, khai thác các dịch vụ đi kèm mà ít quan tâm yếu tố bảo tồn và khía cạnh cảm nhận của du khách khi họ trải nghiệm.

Mặc dù đã bước đầu có những sản phẩm du lịch được nghiên cứu phát triển bài bản dựa trên các nghiên cứu thị trường quy mô nhưng lại tập trung vào các nhóm yếu tố của một sản phẩm đơn lẻ và thuần túy mang tính chất mua bán. Sản phẩm du lịch lúc này đơn thuần là một sản phẩm như mọi sản phẩm tiêu dùng thông thường trên thị trường và vì thế thường được phát triển, đánh giá và quản lý dựa trên một loạt các tiêu chí mang tính tiêu chuẩn như giá cả, tiện nghi, chất lượng phục vụ dựa trên nghiệp vụ hay mối tương quan giữa giá cả và chất lượng. Việc tiêu chuẩn hóa đương nhiên mang lại một chất lượng ổn định, thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của khách hàng nói chung và khách du lịch nói riêng nhưng vô hình trung cũng khiến cho hệ thống sản phẩm trở nên rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, độc đáo và dần trở nên đơn điệu khi mà đi đâu du khách cũng gặp những thứ na ná nhau. Ðây cũng là trường hợp phổ biến của rất nhiều điểm đến du lịch trên thế giới và vì thế những điểm đến này phần lớn chỉ hấp dẫn du khách được một lần và vòng đời của sản phẩm vì thế ngắn hơn. Tính bắt chước, ăn theo trào lưu trở nên phổ biến khi mà các nhà cung ứng lười sáng tạo và có tư duy ngắn hạn. Thực tế cho thấy, rất nhiều sản phẩm du lịch được phát triển theo cách thức này và cũng "chết yểu" như vậy.

Tuy nhiên, một bộ phận các nhà cung ứng cũng đã nắm bắt được xu thế phát triển của du lịch thiên theo hướng trải nghiệm hòa chung với sự bùng nổ của công nghệ, của thời đại kinh tế số, kinh tế trải nghiệm, kinh tế tri thức nên đã bước đầu vận dụng cách tiếp cận mới trong phát triển sản phẩm, đó là tạo ra những trải nghiệm có ý nghĩa, đáng nhớ dành cho du khách và gắn liền với hành trình của họ.

Các nhà cung ứng không những cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm dịch vụ của mình và về điểm đến mà còn phải tạo cho du khách sự thoải mái, ấn tượng, tiện dụng, dễ dàng, đầy đủ và đáng tin cậy và sự kết nối với những đối tác nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Cũng cần quan tâm đến các yếu tố về tài nguyên du lịch như môi trường, con người, văn hóa, sự kiện… tại khu vực để phục vụ du khách. Ðiều này đòi hỏi một tầm nhìn vĩ mô và dài hơi không chỉ trong quy hoạch và chiến lược mà cả những hành động cụ thể qua các chương trình từ xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho đến quản lý điểm đến. Nói như vậy không có nghĩa gánh nặng chung này đặt hết lên vai chính quyền địa phương, mà nó cần được sự tham gia từ tất cả các bên liên quan đến du lịch, từ những nhà quản lý, người phục vụ, nhà kinh doanh đến người dân địa phương.

Theo TS Trương Thị Lan Hương/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm