Cập nhật: 29/07/2020 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, trong đó du lịch đóng vai trò quan trọng, là vấn đề của toàn cầu và ở Việt Nam, nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này”. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá trình tiến hành thực tế để thu được “trái ngọt” từ du lịch đêm cũng cần được xem xét thấu đáo.

Du lịch đêm còn rời rạc

Kinh tế đêm với sự đóng góp đáng kể từ du lịch đem lại nhiều nguồn lợi là khẳng định của không ít chuyên gia và cũng được chứng minh trên thực tế ở nhiều quốc gia. Kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm, đóng góp tới 6% GDP Vương quốc Anh. Tại châu Á, Thái Lan, Trung Quốc... cũng là những nước đáng học hỏi về phát triển kinh tế đêm. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm”.

Việt Nam đã bắt đầu có các sản phẩm du lịch về đêm và bước đầu mang lại những thành công nhất định. Đáng chú ý như phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội), phố đi bộ Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh)... Đặc biệt, Đà Nẵng là một trong những thành phố đi đầu với nhiều dịch vụ, hoạt động về đêm đã cơ bản hình thành và bắt đầu đa dạng, như: Vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực và tham quan về đêm... Tham gia chuỗi hoạt động về đêm tại Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, anh Phạm Hoàng Giang, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong đêm, Bà Nà mới đẹp nhất, vui nhất”. Ngoài khu du lịch này, Đà Nẵng còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại Công viên châu Á, các quán bar, các chương trình biểu diễn, hoạt động lễ hội bên bờ sông Hàn, hoạt động của các phố đêm, phố đi bộ...

Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) có nhiều hoạt động hấp dẫn về đêm.Ảnh: HẠNH NGUYÊN.

Có thể thấy một số hoạt động đêm đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Tuy nhiên, việc tạo thành chuỗi giá trị của du lịch đêm để “kéo” du khách ra khỏi những chiếc giường ngủ êm ái ở hầu hết các thành phố, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam chưa nhiều.

Triển khai ban đêm, vướng ở đâu?

Dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, nhiều địa phương cũng chú ý phát triển nền kinh tế đặc biệt này nhưng tạo dựng các sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách không hề đơn giản. Trong không gian tĩnh lặng của buổi đêm ở Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, ông Đặng Văn Biểu, Phó trưởng ban Quản lý di tích, trải lòng về những nỗ lực khi làm sản phẩm về đêm: “Dù UBND TP Hà Nội đã có chủ trương khuyến khích các di tích của thành phố nhằm phát triển du lịch về đêm, là một trong những đơn vị tiên phong của Thủ đô, qua thực tế, chúng tôi nhận thấy để có một sản phẩm về đêm như Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò là không thể tính đến giá trị kinh tế mà chủ yếu từ tâm huyết của toàn thể cán bộ, nhân viên. Để thực hiện mỗi tour về đêm hoàn chỉnh, ban quản lý phải huy động tối thiểu 12 trong tổng số gần 20 người của khu di tích. Chưa kể phải tạo ra những nét riêng, đặc biệt để hấp dẫn du khách, tổ chức tour về đêm đòi hỏi sự tỉ mỉ của người tổ chức. Chẳng hạn, đường đi lối lại trong di tích không phải khách nào cũng thông thạo, bậc thềm lên xuống hay đi theo trình tự ra sao... đều phải có người của khu di tích hướng dẫn, đi cùng hỗ trợ khách khi cần".

Đề cập đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết: “Hiện nay, để phát triển du lịch về đêm, địa phương cần thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu ban hành cơ chế như vậy lại vướng luật, còn những cơ chế thành phố đủ thẩm quyền lại không đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Hay như vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và lực lượng tham gia phục vụ phát triển dịch vụ kinh tế ban đêm. Bởi doanh nghiệp có cơ chế cho ca 3 hay kinh phí chi cho việc tăng ca ngoài giờ, nhưng với cơ quan hành chính, theo quy định chỉ làm việc đúng giờ hành chính và chế độ này chưa được quy định trong pháp luật thì đó cũng là một thách thức mà chúng tôi phải xử lý”.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, du lịch về đêm là một hoạt động của nền kinh tế, có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết chứ không phải chuyển sang từ kinh tế ban ngày. Vì thế, cách xử sự phải rất bài bản, hiện đại, đẳng cấp mới làm được. Khi bắt đầu làm thì đừng "làm đến đâu hay đến đấy" mà phải có tính toán bài bản từ đầu, để tránh những sơ suất thì mới tốt được.

“Có lẽ địa bàn Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế. Cách tổ chức kinh tế đêm ở Đà Nẵng cũng là một dấu hiệu của sự khởi động. Tôi cho rằng bắt đầu từ bây giờ, Đà Nẵng phải tiếp cận tới vấn đề kinh tế đêm một cách bài bản hơn. Bởi đây là địa phương đề xuất ra cơ chế cho vận hành kinh tế đêm ở cấp độ quốc gia chứ không phải chỉ riêng cho mình. Cơ chế chính sách mà chưa thống nhất, chỉ có một mình mình triển khai thì cũng rủi ro lắm”, PGS, TS Trần Đình Thiên đề xuất.

LAN DỊU

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/phat-trien-san-pham-du-lich-dem-o-viet-nam-627666

 

Tệp đính kèm