Trước tác động của dịch bệnh và mức tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tới đây có thể sẽ chạm ngưỡng 60 triệu đồng/lượng.
Sau khi liên tiếp chồi, sụt, cập nhật đến 11h00 trưa nay (29/7), Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 56,05- 57,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 450.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với phiên giao dịch đầu giờ sáng nay.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,10 – 57,15 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch liền trước.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu giờ sáng, giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng, giá vàng DOJI tăng 750.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối ngày 28/7.
Tại "phố vàng" Trần Nhân Tông, lượng người đến giao dịch khá thưa thớt.
Sát giờ trưa nay, tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội), theo quan sát của Phóng viên VOV, lượng người đến giao dịch mua – bán khá thưa thớt. Hầu hết người đến giao dịch bán nhiều hơn là mua.
Chị Trần Hồng Thái, một người dân ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, tháng trước, khi giá vàng còn ở mức 43 - 44 triệu đồng/lượng, chị đã dành số tiền tích lũy được mang đi mua 1 cây vàng. Những ngày gần đây khi giá vàng tăng cao kỷ lục, chị đã đem số vàng này đi bán để kiếm lời.
Cũng như chị Thái, anh Hoàng Minh Giang (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, anh có 3 chỉ vàng mua từ vài tháng trước đó, thời gian gần đây, giá vàng liên tục tăng cao, anh đã tính toán và mang đi bán.
“Không biết thời gian tới giá vàng sẽ lên, xuống ra sao, nhưng để “chắc ăn”, tôi đã bán toàn bộ số vàng này mong kiếm chút lợi nhuận”, anh Giang nói.
Khách đến giao dịch bán vàng nhiều hơn là mua.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, những ngày qua, một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng phi mã là do diễn biến dịch bệnh trên thế giới càng ngày càng nghiêm trọng. Tình hình này đã đẩy Chính phủ các nước phải tính tới những gói hỗ trợ rất lớn, “vô tiền khoáng hậu”, điển hình như Mỹ đang tính tới gói hỗ trợ 1.000 tỷ USD nữa, trước đó là 2.200 tỷ USD. Với những gói hỗ trợ của Chính phủ như vậy, đã đẩy một lượng tiền rất lớn trong lưu thông, từ đó làm tăng giá trị tài sản lên, trong đó có giá vàng.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ở Việt Nam, giá vàng không bị “kích động” bởi cung cầu bình thường nhưng lại bị tác động bởi giá vàng thế giới. Hiện tượng giá vàng lên, xuống mấy ngày nay rất khó lường và khó đoán định, do đó các nhà đầu tư vàng phải hết sức cẩn trọng.
Với đà tăng như hiện tại, ông Hiếu dự đoán, giá vàng có thể chạm ngưỡng 60 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới có thể đạt mức 32.000 USD/oz trong vòng 1 tháng nữa.
Ông Hiếu cũng đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nên cẩn thận, cần phải hiểu khoảng cách chênh lệch giữa giá mua – bán. Nếu chênh lệch từ 3.000.000 trở lên là rất nguy hiểm cho người mua vàng, bởi nhà đầu tư và kinh doanh vàng thường mua với giá rẻ và bán với giá cao, họ là người nắm bắt được thị trường, chính vì thế họ đẩy rủi ro cho người mua vàng.
“Chênh lệch giá mua vào - bán ra từ 1.000.000 đồng trở lên đã là rất rủi ro rồi, còn từ 3.000.000 đồng trở lên thì rủi ro là quá cao. Với giá vàng thế giới cũng vậy, phải xem giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới bao nhiêu. Nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới vài trăm nghìn đồng một/lượng thì không sao, còn nếu cao hơn giá vàng thế giới từ 1.000.000 đồng/lượng trở lên thì giá vàng trong nước sẽ phải điều chỉnh đi xuống để phù hợp với giá vàng thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo Chung Thủy/VOV.VN