Sau 3 tháng tạm yên, đại dịch COVID-19 vừa trở lại khiến nhiều địa phương phải tuyên bố đóng cửa các khu du lịch, doanh nghiệp lại một phen lao đao và kêu gọi nhau liên minh giải quyết khủng hoảng.
Hội An vừa được phun khử khuẩn cuối tuần qua. (Ảnh: Trường Sơn/Vietnam+)
Tưởng chừng đang trên đà khởi sắc trở lại nhờ chương trình kích cầu nội địa, thế nhưng một lần nữa, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã giáng đòn chí mạng vào nỗ lực phục hồi của ngành du lịch suốt 3 tháng qua.
Sau 99 ngày “sóng yên biển lặng,” những ngày qua nhiều địa phương trên khắp cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa các điểm tham quan, khu du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, song cũng khiến doanh nghiệp lại một phen điêu đứng…
Hàng loạt địa phương “đóng cửa”
Ngay sau khi “ổ dịch” Đà Nẵng công bố giãn cách xã hội, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang… đã ra công văn hỏa tốc, công điện khẩn về việc “đóng cửa” các hoạt động du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Quảng Ninh yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức các chương trình tham quan, du lịch đến các địa phương đã công bố có người nhiễm dịch COVID-19 và đón khách từ các địa phương này; khuyến cáo và không tổ chức đưa, đón khách du lịch đến từ vùng có dịch, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi có tình huống phát sinh đối với du khách.
Khu vực miền Trung, Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, khu di tích, danh lam thắng cảnh phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với những người không thực hiện đeo khẩu trang khi ra đường nhằm chấn chỉnh, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác phòng chống dịch hiện nay.
Ngoài việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho du khách, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa giao Sở Du lịch hướng dẫn các đơn vị có chương trình tour đến thành phố Đà Nẵng đã bán tư vấn cho du khách thay đổi lịch trình, lựa chọn điểm tham quan thay thế…
Khách sạn trên phố cổ Hà Nội cửa đóng then cài khi dịch COVID-19 trở lại, chụp sáng ngày 3/8 trên phố Hàng Dầu. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/Vietnam+)
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra văn bản khẩn số 7626/UBND-KGCP, yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập trung đông người nơi công cộng (nhất là tiệc cưới, tang lễ), yêu cầu người dân đeo khẩu trang, thực hiện duy trì khoảng cách trong tiếp xúc và thường xuyên rửa tay, vệ sinh phòng, chống dịch COVID-19.… Tỉnh này cũng tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trên toàn tuyến công viên bờ biển Nha Trang, tạm dừng tổ chức lễ hội văn hóa…
Doanh nghiệp “chiến đấu” đến đồng xu cuối cùng
Cuối tuần qua, ngay khi "cơn bão" đại dịch trở lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã thống kê được 16.000 phòng khách sạn tại thành phố Đà Lạt đã bị khách hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 28-30/7, đã có 7.503 khách của 22 đơn vị lữ hành Hà Nội hủy tour nội địa tới nhiều điểm du lịch trên cả nước…
Đại diện các công ty du lịch nhận định việc khách hàng hủy tour đến những địa phương có người nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí cả những nơi chưa có người nhiễm cũng bị hủy là bình thường. Vì thế, xử lý khủng hoảng, giải quyết yêu cầu hoãn, hủy, lùi ngày tour của du khách sao cho đảm bảo quyền lợi của các bên, đảm bảo công tác phòng chống dịch là việc các công ty lữ hành cần làm ngay lúc này.
Chẳng thế mà suốt tuần qua, rất nhiều đại lý vé máy bay, doanh nghiệp du lịch luôn trong tình trạng “cháy” máy điện thoại, nhân viên sạc pin liên tục vẫn quay cuồng nhận và trả lời yêu cầu hoãn, hủy… của khách hàng.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp du lịch đang gặp phải khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng thời điểm này là lúc cần có sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ (lưu trú, điểm đến, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…) để cùng giải quyết khủng hoảng.
Những cửa hàng chuyên bán đồ cho du khách trên phố Hàng Gai, chụp sáng ngày 3/8. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/Vietnam+)
Theo ông Thắng, các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn, hoãn chuyến đối với các khách đoàn; các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn để những khách không đi được du lịch thời gian này có thể thực hiện vào thời điểm khác với giá trị tiền không đổi.
Trong bối cảnh dịch bệnh mới, các doanh nghiệp mạnh thì điêu đứng liêu xiêu, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lao dốc không phanh, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ biến mất khỏi thị trường…
“Tháng 7 năm nay, ngành du lịch Việt Nam kỷ niệm 2 ngày lễ lớn: Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam 9/7 và ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Chúc cho anh chị em trong ngành làm theo lời Bác dạy: Tàn nhưng không phế, chiến đấu với giặc COVID đến đồng xu cuối cùng để du lịch lại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước,” một trong những CEO tâm huyết của ngành du lịch Việt, Giám đốc AZA Travel, anh Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ nỗi niềm chua xót của những người làm nghề một cách hài hước./.
Do cuộc khủng hoảng COVID-19, ngành du lịch toàn cầu đã thiệt hại 320 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, cao gấp 3 lần so với khoản thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nội dung này được đề cập trong thông báo của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc đưa ra ngày 28/7.
Theo Mai Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/covid19-tro-lai-du-lich-can-lien-ket-de-giai-quyet-khung-hoang/655259.vnp