Báo cáo tài chính bán niên của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ niêm yết trên sàn chứng khoán vừa công bố cho thấy có sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận ở nhóm ngành này.
Một trong những tuyến phố cổ nổi tiếng của thành phố Hội An đìu hiu trong mùa dịch. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch, dịch vụ vốn đã "ngấm đòn," nay lại có nguy cơ "đuối sức" hơn trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính bán niên của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ niêm yết trên sàn chứng khoán vừa công bố cho thấy có sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận ở nhóm ngành này.
Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (Daseco) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh giải trình lợi nhuận 6 tháng năm 2020 của công ty có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Daseco, tình hình kinh doanh của công ty chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Hoạt động vui chơi giải trí tại công ty phải tạm dừng trong khoảng thời gian từ 17/3-9/5 theo quy định về phòng chống dịch. Dù sau khoảng thời gian này, công ty đã hoạt động kinh doanh trở lại, nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ của công ty chỉ 35 tỷ đồng, đạt 25,7% so với cùng kỳ (mức giảm tương đương hơn 102 tỷ đồng).
Trong khi đó, dù khoảng thời gian công ty tạm dừng hoạt động khá dài nhưng các khoảng chi phí cố định như bảo dưỡng, bảo trì, chi phí thuê đất, lương của người lao động… vẫn phải thanh toán đầy đủ.
Do vậy lợi nhuận sau thuế của Daseco chỉ đạt 985 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận là trên 62 tỷ đồng. Riêng trong quý 2/2020, công ty báo lỗ ròng 4,3 tỷ đồng.
Mới đây, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại khu vực miền Trung, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An đã phải thông báo phải thu hẹp hoạt động kinh doanh của chi nhánh Khách sạn Hội An kể từ ngày 31/8/2020; đồng thời để thực hiện kế hoạch cải tạo nâng cấp khách sạn.
Hội đồng quản trị của Công ty cũng tạm thời thông qua kế hoạch quý 3/2020 với tổng doanh thu dự kiến 8,7 tỷ và lỗ gần 6,2 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị công ty cho biết sẽ làm việc với đại diện của Tập đoàn Melia để thống nhất điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh quý 3 và 6 tháng cuối năm 2020, các giải pháp cấp bách triển khai trong giai đoạn thực hiện hợp đồng tư vấn chuyển giao kỹ thuật giữa hai bên.
Trong báo cáo kinh doanh riêng giữa niên độ 2020, Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An ghi nhận lỗ sau thuế hơn 8,8 tỷ đồng do phải tạm ngưng mọi hoạt động ở khách sạn và công ty thành viên.
Trước đó, Khách sạn Hội An tạm ngưng hoạt động đón khách từ 26/3 đến 15/6/2020; Khu Du lịch biển của công ty đã ngưng hoạt động từ 14/3/2020 để trưng dụng làm khu cách ly phòng chống dịch; Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Thanh cũng ngưng đón khách trong thời gian giãn cách xã hội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lữ hành Hội An cũng tạm ngưng hoạt động đến hết quý 2/2020 do không có khách…
Tại Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong-Kiên Giang, dù là một doanh nghiệp vận tải, tuy nhiên hoạt động của công ty lại gắn liền với du lịch Phú Quốc.
Vì vậy, trong quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 638 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận trên 45 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 98,6%.
Theo công ty, nguyên nhân kết quả kinh doanh suy giảm là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào quý 2, công ty đã phải tạm ngưng hoạt động vào tháng Tư.
Hơn nữa, dịch COVID-19 cũng làm thay đổi lịch nghỉ dưỡng, nghỉ hè khiến công suất lấp đầy giảm mạnh, tổng số chuyến trong quý 2 giảm tới 41% so với cùng kỳ, góp phần không nhỏ trong việc kéo lùi kết quả của Công ty.
Trước đó, một "đại gia" trong ngành du lịch là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng công bố kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong quý 2/2020 khi lỗ tới 38 tỷ đồng, giảm 283% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 quý đầu năm nay, Vietravel ghi nhận doanh thu 996 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ. Hiện công ty ghi nhận mức lỗ ròng hơn 76 tỷ sau nửa đầu năm, mức lỗ thực tế vượt xa so với dự kiến.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức cuối tháng Sáu, Vietravel đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 còn 3.065 tỷ đồng, giảm gần 59% so với 2019 và lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp du lịch niêm yết khác cũng có kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong quý 2/2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng hoạt động.
Đơn cử, Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công lỗ sau thuế gần 4,65 tỷ đồng trong quý 2/2020, trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng; cũng trong quý 2, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành báo lỗ hơn 7,3 tỷ đồng…
Tổng hợp số liệu thống kê từ các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX và FiinGroup, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp nhóm ngành du lịch và giải trí giảm tới 363% so với cùng kỳ.
Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua bán ròng gần 2.400 ngàn cổ phiếu thuộc nhóm ngành này, với tổng giá trị bán ròng 110 tỷ đồng.
Dẫu vậy, thanh khoản nhóm cổ phiếu ngành du lịch, giải trí vẫn khá cao và được nhà đầu tư quan tâm.
Thậm chí, một số cổ phiếu có sự tăng mạnh về thị giá trong thời gian gần đây, do kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ ngành của Chính phủ và một số cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức cao.
Chẳng hạn, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu BTV của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UpCom) đã tăng trần 15% lên 25.300 đồng/cổ phiếu sau khi trải qua một số phiên giảm sàn đầu tháng 8/2020.
Cổ phiếu DSN của Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen cũng duy trì đà tăng kể từ đầu tháng Tám đến nay.
Trước đó, DSN chỉ ghi nhận 1 phiên giảm sâu duy nhất vào ngày 27/7 với mức giảm hơn 6%. Sau đó là những phiên tăng giảm xen kẽ, nhưng đều ở biên độ hẹp, không đáng kể.
Đáng chú ý, từ ngày 3-10/8, DSN đã có 6 phiên tăng giá liên tiếp từ mức 40.800 đồng/cổ phiếu lên 42.600 đồng/cổ phiếu.
Trong 2 phiên gần đây, cổ phiếu này vẫn duy trì đà tăng, hiện giao dịch ở mức 44.900 đồng/cổ phiếu.
Ngạc nhiên nhất vẫn là cổ phiếu VTR của Vietravel (sàn UpCom), sau khi giảm sàn gần 15% trong ngày 27/7 - khi ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch lần hai thì đến nay VTR vẫn duy trì đà tăng đáng kể.
Hiện cổ phiếu VTR đang giao dịch ở mức gần 30.000 đồng/cổ phiếu./.
Theo H.Chung (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-nganh-du-lich-dich-vu-giai-tri-duoi-suc-vi-covid19/657727.vnp