Cập nhật: 19/08/2020 10:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bài 2: Hướng đi căn cơ, lâu dài

Từ sự phát triển mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch, những tua, tuyến du lịch mới đã góp phần tạo sự khác biệt, mới lạ, đem đến những cảm nhận riêng đối với du khách, góp phần khai thác hiệu quả thế mạnh văn hóa, nét đặc trưng của các vùng miền, địa phương.

Khách du lịch tham quan vườn sầu riêng của nông dân Mai Hồng Thảo, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Ðể phát triển căn cơ, lâu dài, các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ…

Liên kết để phát triển

Tỉnh Bến Tre hiện có 47 khu, điểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước; trong đó có khoảng 80% là mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT-DL) tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch đã xuất hiện tại địa phương từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng gần đây mới phát triển mạnh, sản phẩm phong phú. Trong đó, thế mạnh của tỉnh là vườn dừa, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, thủy sản... được đưa lên bàn ăn ngay tại khu du lịch đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức. Từ đó, giá trị nông sản bán ngay tại chỗ với giá cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao để thu hút du khách. Trong đó, chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gồm nhiều nhà vườn liên kết lại thành chuỗi với những sản phẩm cây ăn quả đặc trưng của Bến Tre để phát triển thành làng du lịch. Ðồng thời, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm cây ăn quả, thủy sản sạch để phục vụ du khách.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết, theo đề án "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020", cây nho vẫn được tỉnh tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực. Năm nay, diện tích nho toàn tỉnh cố gắng đạt hơn 2.550 ha, sản lượng đạt 70 nghìn tấn, trong đó, nho ăn trái 2.333 ha, sản lượng 69.450 tấn; nho sản xuất rượu khoảng 220 ha, sản lượng 550 tấn… Vùng sản xuất nho an toàn được quy hoạch tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn và TP Phan Rang - Tháp Chàm. Vấn đề đặc biệt ưu tiên là xây dựng các mô hình trình diễn về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật cho ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hay cao hơn nữa là các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như AseanGAP, EurepGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng việc liên kết để phát triển, nhân rộng hơn nữa mô hình du lịch nông nghiệp.

Theo UBND tỉnh Ðồng Nai, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích cây ăn trái hơn 63.000 ha, đứng thứ ba cả nước về diện tích, sản lượng trái cây tươi. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch vườn mang lại hiệu quả khá cao. Ðể gắn sản xuất nông nghiệp và du lịch, Ðồng Nai đã và đang khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, tăng diện tích cây ăn trái VietGAP, GlobalGAP, tạo lợi thế thu hút đầu tư phát triển mô hình du lịch vườn. Cái khó của Ðồng Nai hiện nay là mô hình du lịch sinh thái vườn trên địa bàn tỉnh phần lớn mang tính tự phát; chưa có quy hoạch vùng phát triển bài bản; các mô hình du lịch sinh thái vườn còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, dịch vụ đặc thù để phát triển bền vững; nông dân thiếu nguồn vốn đầu tư.

Bình Thuận hiện có khoảng 30.000 ha thanh long, đứng đầu cả nước về diện tích cây trồng này với rất nhiều vườn, trang trại được đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến các sản phẩm từ thanh long. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để mở rộng mô hình "Du lịch tham quan trải nghiệm vườn thanh long". Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Thuận Võ Xuân Nghĩa cho biết, đến thời điểm này, ngành du lịch Bình Thuận đã xây dựng được ba điểm tham quan du lịch vườn thanh long tại thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Thời gian tới, sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động điểm tham quan vườn thanh long tại thôn Tiến Minh, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, nơi được xem là "thủ phủ" thanh long của tỉnh Bình Thuận. Một số mô hình du lịch gắn kết với nông nghiệp khác cũng đã được triển khai tạo sự mới lạ, độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ và phong cách phục vụ.

Cùng với công nghiệp, cảng biển và du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn trụ cột kinh tế giúp địa phương duy trì và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Ðáng chú ý, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn, giữ chân du khách mỗi khi đến với Bà Rịa - Vũng Tàu. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, du lịch sinh thái, cộng đồng sẽ ngày càng phát triển tại địa phương. Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, các vùng cây chuyên canh đặc sản trên địa bàn tỉnh đã và đang là những điểm đến hấp dẫn của du khách, kể cả với những du khách nước ngoài. Tuy nhiên, để tăng tính hấp dẫn của các tua, tuyến du lịch cộng đồng, các nông trại cần có sự liên kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau để cùng phát triển…

Cần sự khác biệt, mới lạ

Phó Giám đốc Sở VH, TT-DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp thật sự hiệu quả và bền vững, tỉnh Tiền Giang tập trung quy hoạch phát triển ở những vùng có nhiều tiềm năng, tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào, làm ăn manh mún. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch như hỗ trợ về vốn, thuế, đào tạo nhân lực,… để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ nông dân. Xây dựng và phổ biến các mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương như mô hình du lịch trồng trọt, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với cộng đồng (homestay); đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng tua, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; động viên nông dân các địa phương cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương.

Theo Giám đốc Sở VH, TT-DL tỉnh Ninh Thuận Hồ Sỹ Sơn, nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh, Sở đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp. Trọng tâm của chương trình này là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện làm cho việc giới thiệu sản phẩm đặc thù của vùng miền và địa phương thêm phong phú trong việc khai thác sản phẩm du lịch.

Cũng theo ông Hồ Sỹ Sơn, để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thay đổi nhận thức của người dân về cách làm, ngành cũng sẽ mở thêm các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh việc liên kết giữa các công ty du lịch và nhà vườn; khuyến khích, hỗ trợ mô hình du lịch nông nghiệp khởi nghiệp.

Giám đốc Sở VH, TT-DL tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Chính cho rằng, phát triển mô hình du lịch vườn ngoài việc góp phần tạo công ăn việc làm, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, còn là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế vườn ở địa phương. Bình Thuận có bảy huyện, thị xã, thành phố với 36 xã, phường ven biển, dân số hơn 410 nghìn người, trong đó có rất đông lao động biển. Những làng chài ven biển lâu đời luôn quyến rũ bởi cảnh quan độc đáo, chứa đựng nhiều âm điệu nhộn nhịp của cuộc sống cư dân miền biển. Cùng với việc đưa vào hoạt động mô hình du lịch trải nghiệm sản xuất thanh long, ngành du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn kết với ngư nghiệp. Ðây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước về văn hóa đặc thù của thiên nhiên và con người Bình Thuận. Qua đó, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp của Bình Thuận đến các nước trên thế giới.

Tỉnh Bình Dương đã có quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng các loại hình du lịch khác, địa phương này chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước gắn với miệt vườn cây ăn trái ven sông. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, bên cạnh chính sách hỗ trợ giữ gìn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, UBND tỉnh đã có quyết định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 nhằm giúp các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ Ðầu tư phát triển tỉnh theo hình thức ủy thác cho vay với lãi suất vay ưu đãi. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện giữ gìn và khôi phục, phát triển mạnh các loại cây ăn trái đặc sản của TP Thuận An và xã Bạch Ðằng thuộc thị xã Tân Uyên cũng như phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp tại tỉnh. Qua đó, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo ra những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình du lịch sinh thái của những vùng đất ven sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, Ninh Thuận đã đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành này phát triển. Chú trọng mở rộng, khai thác thêm rất nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc được hình thành từ chính những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều địa danh, điểm đến du lịch Ninh Thuận đã lọt vào top "bản đồ" du lịch thế giới, "bản đồ" du lịch Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, cần luôn tự đổi mới, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ. Ðược như vậy mới thật sự hấp dẫn du khách, giúp họ hào hứng khám phá sự khác biệt từ những nét đặc trưng của các vùng miền, địa phương…

Nhóm phóng viên thường trú tại TP Hồ Chí Minh

Theo  nhandan.com.vn

Tệp đính kèm