Cập nhật: 20/08/2020 10:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tiếp có những phiên chạm hoặc vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ao-xơ, giá vàng trong nước vì thế cũng “nhảy múa” theo. Trong xu thế giá vàng được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường, giới chuyên gia phân tích tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng để tránh rủi ro.

Theo ghi nhận diễn biến thị trường, từ đầu tháng 8 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng mạnh, nhiều phiên liên tục vượt ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ao-xơ. Cụ thể, đến 15 giờ 30 phút ngày 18-8, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng tới 60 USD/ao-xơ so với một ngày trước, hiện ở mức 2.006 USD/ao-xơ. Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng bật tăng theo giá vàng thế giới. Cùng thời điểm, giá vàng SJC được Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SIC) niêm yết cho thị trường TP Hồ Chí Minh ở mức 56,5 - 58,15 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm trước. DOJI Hà Nội cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,45 - 58,03 triệu đồng/lượng, tăng hơn một triệu đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên giao dịch ngày hôm trước. Chênh lệch mua - bán vẫn được các doanh nghiệp nới rộng vượt ngưỡng 1,5 triệu đồng/lượng và khoảng cách này vẫn không được thu hẹp trong vòng hai tuần trở lại đây. Quy đổi theo giá USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 56,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí liên quan). Như vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới tới gần 2 triệu đồng/lượng, tuy nhiên điều đáng lưu ý, sự “nhảy múa” về giá chủ yếu xảy ra đối với vàng miếng SJC, trong khi giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vẫn duy trì ở mức thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi.

 Như vậy, sang tuần này, giá vàng thế giới đã tăng vọt trở lại sau một tuần “tạm nghỉ ngơi” và một lần nữa “neo” ở ngưỡng 2.000 USD/ao-xơ. Theo giới phân tích, giá vàng có dấu hiệu hồi phục trong bối cảnh đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ sụt giảm. Đồng bạc xanh suy yếu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Niu Oóc cho biết, hoạt động sản xuất tại

 Niu Oóc bị giảm sút mạnh trong tháng 8. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến giá vàng tăng trở lại khi Tập đoàn Berkshire Hathaway bất ngờ công bố đã mua vào thêm cổ phiếu tại Công ty Barrick Gold Corp, đơn vị khai thác vàng quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Cuối cùng, phần lớn các chuyên gia tài chính vẫn tin rằng, những bất ổn liên quan đến tình hình kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra khiến vàng vẫn tiếp tục là tài sản hấp dẫn trong dài hạn, nhất là khi các nước dành hàng nghìn tỷ USD để “bơm vốn” hỗ trợ nền kinh tế.

 Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, giá vàng trong thời gian này còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Dù các yếu tố cơ bản khiến giá vàng tăng cao hơn đáng kể vẫn đang hiện diện, song giới chuyên gia đã sớm cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng, không nên mạo hiểm “lướt sóng” vàng. Bởi giá vàng thế giới tăng rất nhanh trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể giảm sâu chỉ trong một vài phiên (thực tế tuần qua, có thời điểm giá vàng miếng SJC bán ra đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng nhưng ngay sau đó đã quay đầu giảm sâu xuống mức 52 triệu đồng mỗi lượng khiến nhà đầu tư “lướt sóng” lỗ nặng). Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, khi giá vàng ở thị trường trong nước quá cao so với giá vàng thế giới, kèm theo chênh lệch mua vào-bán ra lớn, người mua cần hết sức cẩn trọng vì có thể gặp rủi ro cao. Phân tích từ TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính cho thấy, trong điều kiện bình thường, chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới chỉ trên dưới 1 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua-bán cũng chỉ từ 500 nghìn đến dưới 1 triệu đồng/lượng. “Nếu vượt quá con số này, chứng tỏ thị trường có dấu hiệu bất thường, cho thấy doanh nghiệp vàng đang dè chừng, cố gắng giữ hệ số an toàn cho mình và đẩy rủi ro về phía người mua” - TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

 Theo chia sẻ của chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng, vàng luôn là một kênh đầu tư rất khó dự báo xu hướng và ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, các nhà đầu tư khi tham gia vào kênh này cần hết sức thận trọng, tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông để có quyết định đầu tư mua-bán phù hợp, nhất là không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, nên phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản,… Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn nhiều biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp kịp thời, phù hợp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Theo VIỆT PHONG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm