Đường phố vắng vẻ, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng vắng bóng người, các bãi biển trải dài mỗi ngày chỉ đón vài chục khách. Nhiều lao động trong ngành đã mất việc hoặc nghỉ việc luân phiên. Không ít doanh nghiệp đóng cửa hoặc rao bán các cơ sở kinh doanh của mình. Đó là thực trạng ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đối mặt và khó có thể vượt qua nếu dịch bệnh kéo dài.
Chưa khi nào giữa mùa du lịch nhưng Bãi Sau (TP Vũng Tàu) lại vắng vẻ như hiện nay.
Mùa du lịch buồn
Thông thường, với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ba tháng hè từ tháng 6 đến hết tháng 8 hằng năm được xem là mùa du lịch. Đối với các doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đây là những tháng cao điểm nhất trong năm, quyết định doanh thu và lợi nhuận của cả năm. Tuy nhiên, năm nay thật sự là một năm đáng buồn của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu khi mà rất nhiều cơ sở phải đóng cửa vì không có doanh thu để đóng… tiền điện, nước.
Phó Giám đốc Khu du lịch Gió Biển (TP Vũng Tàu) Bùi Minh Phúc chia sẻ, khu du lịch Gió Biển sở hữu bãi biển dài hơn 400m, ở Bãi Sau, vị trí được xem là đẹp nhất trong các bãi tắm của TP Vũng Tàu. Thời điểm này của năm trước, khu du lịch luôn trong tình trạng quá tải, doanh thu mỗi ngày vài trăm triệu đồng. Nay thì ngược lại, mỗi ngày chỉ được vài triệu đồng, không đủ đóng tiền điện, nước. Hiện, nhiều lao động tại khu du lịch phải nghỉ luân phiên chờ qua mùa dịch bệnh.
“Nhân viên gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm, giờ cho nghỉ không đành nên chúng tôi vẫn cố gắng bảo đảm các chế độ cơ bản cho anh em. Nhưng nếu dịch kéo dài thì cũng không cũng không biết trước được bởi khả năng của doanh nghiệp có hạn. Mỗi tháng, riêng tiền lương nhân viên đã ngót nghét một tỷ đồng”, anh Phúc tâm sự.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nghỉ dưỡng Ruby, sở hữu hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng mang thương hiệu Ruby Homes, Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, chưa năm nào kinh doanh du lịch khó khăn như hiện nay. Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào sự phục hồi sau một thời gian dài giãn cách xã hội thì lại phải chống chọi với những khó khăn hiện tại khi lượng khách sụt giảm ghê gớm, trong khi mọi chi phí đầu vào hầu như không thay đổi.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành du lịch khi hàng loạt các địa phương, doanh nghiệp lữ hành lớn triển khai các gói “kích cầu” thời gian qua, với việc giảm giá nhiều dịch vụ. Lượng khách đặt tour trong nước tăng đáng kể. Một số cơ sở bắt đầu có doanh thu trở lại. Tổng Giám đốc Marina Bay Vũng Tàu Nguyễn Đức Khoa cho biết, doanh thu của đơn vị trong nửa cuối tháng 6 đầu tháng 7 rất khả quan. Bên cạnh đó, lịch tháng 8 cũng đã được đặt kín. Vậy mà chỉ vài ngày cuối tháng 7, doanh nghiệp đã bị hủy trắng các đơn hàng.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Giám đốc Khu du lịch Biển Đông Lê Thanh Lâm không giấu được nỗi lo khi dịch bệnh kéo dài: Qua đánh giá, rà soát, nếu tình trạng như hiện nay kéo dài, đơn vị cầm cự không quá ba tháng. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp “tăng sức đề kháng”. Đặc biệt, nhiều chính sách không sát với thực tế, chưa tạo động lực hỗ trợ mà điển hình là chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh chắc chắn đều thua lỗ thì làm sao có thu nhập chịu thuế?
Giám đốc Ruby Homes Đinh Tiến Dũng trăn trở bởi đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các chính sách của Nhà nước: Việc khách hàng hủy tour hàng loạt khiến công ty không có nguồn thu. Trong khi các khoản chi thì không thể chậm nộp. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng hiện công ty chưa tiếp cận được bất cứ khoản hỗ trợ nào.
Cùng các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn cũng gần tê liệt, nhiều công ty đóng cửa, một số công ty có điều kiện thì giữ lại một vài nhân sự chủ chốt để duy trì hoạt động của văn phòng. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành lớn chia sẻ: “Dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế đi lại, ngành du lịch hứng chịu thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều khó khăn nên phải cắt giảm các quỹ phúc lợi, không tổ chức cho nhân viên đi tham quan, du lịch như trước đây. Thông thường, thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị kế hoạch cho các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Nay thì hầu như không có bất cứ một đơn hàng nào. Nếu dịch bệnh chậm được khống chế, từ nay đến cuối năm, tôi tin sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản”.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch, chuẩn bị sẵn các kịch bản để ngay khi dịch bệnh được khống chế là có thể khởi động, đưa các tour tuyến du lịch vào hoạt động.
Tuy nhiên, việc cần làm nhất hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp du lịch sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần thành lập tổ công tác rà soát, phân loại và đánh giá về những thiệt hại, khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đang phải đối mặt để có những chính sách đặc thù, động viên, hỗ trợ kịp thời trước khi quá muộn.
Theo ANH TUẤN, NGUYỄN NAM/nhandan.com.vn