Cập nhật: 30/08/2020 07:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khả năng phát hiện hành tinh ngoài Hệ Mặt trời bằng thuật toán học máy là một bước tiến. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án ‘săn’ hành tinh khác.

Từ trước đến nay, các nhà khoa học vẫn sử dụng hệ thống kính thiên văn để ‘săn’ các hành tinh ngoài Hệ mặt trời. Tuy nhiên, trong hàng nghìn ‘ứng viên’ ngoại hành tinh đó, các nhà khoa học vẫn phải sàng lọc rất nhiều dữ liệu để xác nhận đâu là hành tinh thật và đâu là tín hiệu giả.

Bởi vậy, nhóm nghiên cứu do Giáo sư David Armstrong từ Đại học Warwick (Anh) dẫn đầu đã tìm ra cách khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý công việc nặng nhọc này, mang đến một công cụ đắc lực trong nỗ lực khám phá các thế giới xa xôi.

Hành tinh là một thiên thể quay xung quanh một ngôi sao. Để phát hiện ra một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, ông Armstrong cùng các cộng sự đã tạo ra một thuật toán dựa trên công nghệ học máy - một lĩnh vực AI cho phép các hệ thống tự động học hỏi và cải thiện hiệu suất theo thời gian. Sau đó, ông đào tạo nó bằng cách cung cấp thông tin đã được xác nhận về hành tinh thật hoặc tín hiệu giả từ kho dữ liệu của kính thiên văn Kepler đã ngừng hoạt động của NASA.

Tiếp đó, họ chuyển sang phân tích một nhóm các ứng viên ngoại hành tinh chưa được xác nhận và ngay trong lần đầu tiên, thuật toán học máy đã xác định được 50 hành tinh mới. Việc nhanh chóng phát hiện ra các ngoại hành tinh cho phép các nhà thiên văn học tập trung nguồn lực khám phá không gian mà không lãng phí thời gian cho những ứng viên hành tinh giả, ông Amstrong cho biết.

Kỹ thuật phát hiện hành tinh bằng thuật toán học máy hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án săn hành tinh khác như Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) đang hoạt động của NASA, hay kính viễn vọng không gian PLATO được lên kế hoạch phóng vào năm 2026 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Chỉ riêng dự án TESS đã phát hiện tới 2.100 ứng viên hành tinh.

Theo BT/baochinhphu.vn

Tệp đính kèm