Trong giai đoạn phát triển mới, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu.
Những tác động chính của bối cảnh quốc tế đến con đường phát triển năng lượng của Việt Nam hiện tại thể hiện qua 5 khía cạnh chính, đó là phát triển kinh tế, trao đổi năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giá năng lượng và chi phí công nghệ năng lượng; bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia là 1 trong 5 Quy hoạch ngành mà Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện, đó là: Quy hoạch Điện lực quốc gia (QH Điện 8) đang được triển khai; Quy hoạch hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến sử dụng quặng phóng xạ và Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản.
Lần đầu tiên Việt Nam lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng.
“Việc triển khai thực hiện lập Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đã được chuẩn bị từ lâu, trong đó, việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch được đặc biệt chú trọng, bao gồm Liên danh Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) và Viện dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.
Đến nay, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia tập trung vào đánh giá hiện trạng và tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng trong giai đoạn vừa qua và một phần rất quan trọng là tình hình dự báo phát triển năng lượng theo các kịch bản; Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam cũng như tiềm năng, khả năng khai thác, khả năng cung cấp và định hướng phát triển sản xuất qua các ngành năng lượng… Đây là các nội dung hết sức quan trọng và làm tiền đề cho các chương sau của Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng: “Chỉ khi đánh giá hiện trạng tốt thì mới có thể lập quy hoạch và định hướng phát triển tốt. Dự báo đúng tình hình, đặc biệt là tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm sắp tới thì mới có thể đánh giá chính xác về nhu cầu năng lượng cũng như vạch ra được một quy hoạch năng lượng hợp lý”.
Theo ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng kinh tế và dự báo, Viện Năng lượng – đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia, phạm vi của Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia bao gồm toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng với các quốc gia khác. Trong đó, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.
Xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính, là: than, dầu khí, điện lực và năng lượng tái tạo. Về việc lập Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia trong bối cảnh Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 cũng đang được triển khai xây dựng.
“Quy hoạch Điện 8 đã được triển khai và Bộ Công Thương cũng sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 9/2020. Hai quy hoạch này được triển khai gần như đồng thời với nhau cho nên sự phối kết hợp các thông tin cũng như các giải pháp và cơ chế chính sách của 2 quy hoạch này nó có sự giao thoa và đồng bộ với nhau trong quá trình thực hiện. Và phân ngành năng lượng tái tạo hiện nay là phân ngành đang phát triển rất nhanh và có những chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ, đảm bảo năng lượng sạch và đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia” - ông Trần Mạnh Hùng cho biết.
Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia được lập trên cơ sở của Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Luật Quy hoạch số 21 được ban hành năm 2017 và có hiệu lực từ đầu năm 2019; Nghị định số 37 của Chính phủ (ngày 7/5/2019) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Quyết định số 1743/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch năng lượng quốc gia.
Theo kế hoạch, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia này sẽ tiếp tục lấy ý kiến tham vấn, góp ý của các cơ quan chức năng, chuyên gia và các nhà nghiên cứu trước khi Đề án được tổng hợp, hoàn thiện cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng là Bộ Công Thương trong tháng 10/2020./.
Theo Nguyên Long/VOV1