Tại phiên xét xử, bị cáo Mai Thị Phần khai nhận: Do ông Lê Đình Kình hứa chia cho mỗi người trong "Tổ đồng thuận" 200m2 đất nếu thành công, nên đã bị lôi kéo chống người thi hành công vụ.
Hứa được chia đất nên chống đối
Sáng 8/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Trả lời thẩm vấn, các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Giết người và Chống người thi hành công vụ đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, mong được hưởng sự khoan hồng.
Khai trước tòa, các bị cáo Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang thừa nhận đã tham gia vụ việc rạng sáng ngày 9/1/2020. Bị cáo Quang khai, bị cáo không tham gia “Tổ đồng thuận” nhưng có góp tiền mua lựu đạn như cáo trạng truy tố. Quang thừa nhận, rạng sáng 9/1, Quang có cầm đá ném về phía lực lượng chức năng.
HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo. (Ảnh: Hùng Anh)
Thừa nhận hành vi chống lại lực lượng công an, bị cáo Bùi Thị Đục cho rằng, bản thân thiếu hiểu biết pháp luật nên mới có hành vi như vậy. Từ đó, bị cáo Đục xin HĐXX xem xét, tạo điều kiện cho bị cáo được sớm trở về địa phương.
Đối với bị cáo Mai Thị Phần, bà Phần cho biết, được Lê Đình Kình nhờ cầm tiền của “Tổ đồng thuận”. Số tiền 2 triệu đồng bà bị cáo buộc đã góp để mua lựu đạn như cáo trạng truy tố, thực tế bà chỉ có 500 nghìn đồng, còn lại của nhiều người khác góp.
Bị cáo Mai Thị Phần thừa nhận bị ông Lê Đình Kình lôi kéo, nói rằng “đất là đất của mình, nếu đòi được thì mỗi người sẽ được chia khoảng 200 m2”. Theo bà Phần, ông Lê Đình Kình có nói giá đền bù khu đất đồng Sênh là khoảng 6 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi người sẽ được hơn 1 tỷ đồng nếu thành công.
Nói trong nước mắt, bị cáo Nguyễn Thị Bét gửi lời chia buồn, xin lỗi tới gia đình 3 chiến sỹ đã hi sinh trong vụ việc. Bà Bét nói, bản thân không tham gia “Tổ đồng thuận”, chỉ tham gia làm 4 cái bùi nhùi. Tại tòa, bà nói đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật.
Bị cáo Bùi Văn Tiến thừa nhận đã góp 1 triệu đồng để mua lựu đạn, song cho rằng, số tiền này không liên quan đến vợ bị cáo. Tiến khai, trước đó, bị cáo Lê Đình Công bảo Tiến góp tiền “ủng các ông để lo việc”, chứ không nói là để mua lựu đạn nên Tiến không biết.
Theo lời bị cáo Tiến, tối 8/1, Công gọi cho Tiến, nói rằng đêm nay có công an về làng. Bị cáo đến nhà ông Kình xem bóng đá rồi ngủ lại luôn. Rạng sáng 9/1, thấy Công ném 1 chai bom xăng ra trước cửa nhà ông Kình để chống cự, Tiến cũng cầm 2 tay 2 chai nhưng chỉ ném 1 chai.
Cáo trạng cho thấy, sau khi biết thông tin Công an Hà Nội triển khai lực lượng thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã bàn bạc việc mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí, công cụ, phương tiện để tấn công lực lượng công an đến làm nhiệm vụ.
Theo sự chỉ đạo của ông Lê Đình Kình, các đối tượng đã vận động, cùng nhau góp tiền để Nguyễn Quốc Tiến mua 10 quả lựu đạn với giá 30 triệu đồng.
Chống đối người thi hành công vụ vì a dua
Tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án, HĐXX làm rõ, rạng sáng 9/1/2020, bị cáo Nguyễn Văn Duệ đến nhà ông Lê Đình Kình, đứng trên trần, ném một chai bom xăng xuống dưới. Sau đó, Lê Đình Công (con trai ông Lê Đình Kình) đưa cho Duệ một quả lựu đạn nhưng Duệ không sử dụng mà đút trong túi áo.
Bị cáo Lê Đình Quân khai được “Tổ đồng thuận” phân công đánh kẻng báo động. Đêm xảy ra vụ việc, Công có ném 2 quả bom xăng về phía lực lượng chức năng. Tại cơ quan điều tra cũng như trước tòa, Lê Đình Quân thừa nhận đã vi phạm pháp luật do Lê Đình Kình lôi kéo, từ đó mong được các cơ quan tố tụng xem xét.
Bị cáo Bùi Văn Niên thì cho rằng, bản thân chỉ “a dua” theo, thấy người ta đánh kẻng thì đánh theo, không được ai phân công làm gì đêm hôm đó. Sau khi đứng gõ kẻng trên trần nhà Lê Đình Chức, dính hơi cay của lực lượng chức năng, Niên chạy vào trong buồng trốn đến khi bị bắt.
Các bị cáo tại phần xét hỏi. (Ảnh: Hùng Anh)
Trước tòa, bị cáo Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Xuân Điều cho biết đã nhận thức hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật.
Các bị cáo Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung thừa nhận hành vi vi phạm, cho rằng bản thân không hiểu biết về pháp luật nên đã có hành vi sai trái. Nguyễn Văn Trung nói, quá trình điều tra, bị cáo đã nhận thức sai phạm, thành khẩn khai báo, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Đối với 4 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ”, trước tòa, các bị cáo cho rằng, bản thân vi phạm pháp luật do bộc phát. Bị cáo Lê Đình Hiển khai, nghe thấy tiếng kẻng, thấy nhiều người chạy ngoài đường, bị cáo lấy xe đi ra xem có chuyện gì, không mang theo công cụ gì để chống đối. Con dao trên xe là của bị cáo Bùi Viết Tiến, túi vôi bột do một phụ nữ gặp dọc đường treo vào xe bị cáo.
Khi xe chở bị cáo Hiển và Tiến bị cảnh sát chặn lại, Hiển bột phát nói câu cửa miệng chửi lực lượng chức năng.
“Câu bột phát của bị cáo thì bị quy vào tội chống người thi hành công vụ chứ bị cáo không có hành vi chống đối gì.” - Hiển ăn năn.
Bùi Viết Tiến thừa nhận hành vi dùng dao chống lại lực lượng công an. Hiển khai, khi thấy công an yêu cầu quay đầu xe, thấy bị cáo Hiển chửi công an và bị còng tay, bị cáo nhảy xuống xe cầm dao chống đối lại.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng thừa nhận hành vi chống người thi hành công vụ của mình là sai do không am hiểu pháp luật. Dung khai bản thân có hành vi lăng mạ lực lượng cảnh sát. Trần Thị Phượng khai, thấy người dân hô thì hô theo, thấy có người ném đá cũng ném theo.
Xin HĐXX được nói thêm đôi lời, bị cáo Trần Thị Phượng cho biết, dù không trực tiếp gây ra cái chết của 3 chiến sỹ trong vụ án nhưng bị cáo thành thật xin lỗi và gửi lời chia buồn với gia đình của 3 chiến sỹ./.
Theo Võ Nam/VOV.VN