Cập nhật: 09/09/2020 11:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Harry Perkins và Đại học Tây Úc, Australia mới phát hiện ra một thành phần trong nọc độc của ong mật có hoạt tính làm chết tế bào ung thư.

Tiến sĩ Ciara Duffy tại phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu Y khoa Harry Perkins.

Sử dụng nọc độc từ 312 con ong mật và ong vò vẽ, các nhà khoa học đã thử nghiệm tác dụng của nọc ong đối với các dạng ung thư vú, bao gồm cả ung thư vú bộ ba âm tính. Ung thư vú bộ ba âm tính là xét nghiệm âm tính đối với ba thụ thể: estrogen, progesterone và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì 2 (HER2). Đây cũng là dạng ung thư vú ít phổ biến nhất và khó điều trị nhất.

Kết quả được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín NPJ Precision Oncology cho thấy nọc độc của ong mật nhanh chóng tiêu diệt các tế bào ung thư vú bộ ba âm tính và các tế bào ung thư vú dương tính với HER2 mà không gây hại cho các tế bào bình thường.

Thành phần hoạt tính trong nọc ong mật - melittin là chất độc tiêu diệt nhiều loại khối u, bao gồm ung thư tế bào hắc tố, ung thư phổi, buồng trứng và tuyến tụy. Melittin là thành phần chính của nọc ong (chiếm 40-60% trọng lượng) và là phân tử tạo ra cảm giác đau đớn khi bị ong đốt.

Tiến sĩ Ciara Duffy, Viện Nghiên cứu Y khoa Harry Perkins cho biết: “Nghiên cứu nhằm điều tra các đặc tính chống ung thư của nọc ong mật và hợp chất melittin trên các loại tế bào ung thư vú khác nhau”.

“Chúng tôi tìm thấy nọc ong mật và melittin làm giảm đáng kể, có chọn lọc và nhanh chóng khả năng sống sót của ung thư vú bộ ba âm tính và các tế bào ung thư vú dương tính với HER2. Nọc độc cực kỳ mạnh", Tiến sĩ Duffy nói.

Các nhà khoa học phát hiện ra melittin có thể phá hủy màng tế bào ung thư trong vòng 60 phút. Hơn nữa, họ quan sát thấy melittin còn có một tác dụng đáng chú ý khác. Nó có thể làm giảm đáng kể các thông điệp hóa học của tế bào ung thư trong vòng 20 phút.

Nữ Tiến sĩ Duffy nói: "Chúng tôi đã xem xét cách thức nọc ong mật và melittin ảnh hưởng đến các đường truyền tín hiệu ung thư, các thông điệp hóa học cơ bản cho sự phát triển và sinh sản của tế bào ung thư, và nhận thấy rằng rất nhanh chóng các đường truyền tín hiệu này đã bị tắt".

Giáo sư Peter Klinken, nhà khoa học chính của Đại học Tây Úc cho biết: “Phát hiện này cực kỳ thú vị. Điều quan trọng là nghiên cứu này chứng minh cách melittin can thiệp vào các đường dẫn truyền tín hiệu bên trong tế bào ung thư vú để giảm sự nhân lên của tế bào. Nó cung cấp một thí dụ tuyệt vời khác về các hợp chất trong tự nhiên có thể được sử dụng để điều trị bệnh cho con người”.

Ban đầu, nghiên cứu thu thập nọc độc của ong mật Perth, một trong những loài ong khỏe mạnh nhất trên thế giới. Tiếp theo, các nhà khoa học đã so sánh tác động của nọc độc ong mật Perth với các quần thể ong mật khác ở Ireland và Anh và nọc độc của ong vò vẽ.

Tiến sĩ Duffy cho biết, ong mật châu Âu ở Australia, Ireland và Anh đã tạo ra các tác động như nhau tới ung thư vú. Tuy nhiên, nọc độc của ong vò vẽ không thể làm chết tế bào dù ở nồng độ rất cao.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ đánh giá chính thức phương pháp cung cấp melittin và độc tính tối ưu và liều lượng dung nạp tối đa của nọc ong mật.

Theo HÙNG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm