Thị trường bánh Trung Thu năm nay xuất hiện nhiều loại bánh có vị mới, nhân bánh được làm từ các nguyên liệu độc, lạ hơn hoặc thêm các loại bánh cho người ăn kiêng hay tiểu đường.
Kiốt Bánh Trung Thu xếp hàng dài trên phố Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Chỉ còn nửa tháng nữa là tới Trung Thu, thị trường bánh ngày càng nhộn nhịp đầy sắc màu. Các nhà sản xuất đều cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, cả về mẫu mã và chủng loại để đáp ứng thị hiếu của người dân.
Loại bánh truyền thống chiếm ưu thế
Dạo quanh một vòng các con phố bán bánh Trung Thu tại khu vực Hà Nội, phóng viên thấy các thương hiệu lớn, uy tín và quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Châu, Thu Hương,… vẫn ‘làm chủ cuộc chơi’ năm nay với nhiều dòng bánh độc đáo, đa dạng, hương vị mới mẻ bên cạnh các dòng bánh truyền thống.
Công ty cổ phần Kinh Đô ngoài những vị bánh truyền thống hằng năm đã cập nhật thêm bánh phù hợp cho từng đối tượng như sử dụng như bánh dành cho người ăn kiêng; các bánh hình thú cưng có vị sôcôla, phômai dành cho trẻ nhỏ...
Trong khi đó, Công ty cổ phần bánh ngọt Thu Hương cho ra mắt các sản phẩm bánh mới với những cái tên khá hấp dẫn như: Thiên Thanh, Lộc Thủy, Cẩm Tú… giá dao động từ 290- 580 nghìn đồng, gồm bốn đến tám bánh nhân càphê sữa, trà xanh hạt chia, ngũ cốc yến mạch…
Ngoài việc đổi mới về hương vị bánh, các nhà sản xuất còn đầu tư thiết kế vỏ hộp bánh ngày càng bắt mắt hơn để thu hút khách hàng. Ví dụ như Kinh Đô với sản phẩm chủ đạo là hộp bánh thượng hạng Trăng Vàng Black & Gold với vỏ hộp bằng sơn mài bắt mắt, kèm theo hộp trà Ô Long trong mỗi sản phẩm. Giá của hộp bánh này khá đắt, dao động từ 600 nghìn cho đến hơn 3 triệu đồng. Hộp bánh của Thu Hương lại được thiết kế phỏng theo những vật dụng hằng ngày của phụ nữ như chiếc túi xách, ngăn hộp đựng đồ trang điểm…
Hộp bánh Trung Thu 'flagship' của hãng Kinh Đô năm nay có tên 'Black & Gold' với bao bì sang trọng và bắt mắt. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Cầu kỳ và lạ như vậy, nhưng những sản phẩm này vẫn không thể thay thế được những chiếc bánh mang phong vị truyền thống đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng chục năm qua.
Chị Quỳnh Hương, nhân viên bán hàng của Công ty bánh kẹo Kinh Đô cho biết: “Các loại bánh mới cũng chưa thật sự được nhiều người quan tâm, chào đón. Phần lớn khách hàng khi mua bánh về thưởng thức thường chọn các loại bánh có nhân mang hương vị truyền thống hơn là những loại bánh nhân nhuyễn.
Bên cạnh những thương hiệu nói trên, giá bán lẻ của bánh Trung Thu truyền thống năm nay cũng không thay đổi nhiều. Tại cửa hàng bánh Bảo Phương trên phố Thuỵ Khuê, giá dao động từ 40-75 nghìn đồng/chiếc. Nhân bánh cũng vẫn như mọi năm: thập cẩm, đậu xanh hạt dưa, sen nhuyễn, sen xát… cùng nhiều loại khác được bổ sung trứng muối.
Cẩn trọng với bánh Trung Thu handmade
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, năm nay thị trường bánh Trung Thu online diễn ra sôi động. Không chỉ có lợi thế nhanh, gọn, tiện lợi, thị trường online còn hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chỉ cần lướt dạo một vòng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada,… người tiêu dùng có thể tìm được vô số sản phẩm bánh Trung Thu với đủ hình dáng, chất liệu.
Trong đó, có những cửa hàng bán bánh handmade đưa ra đủ vị như thập cẩm, việt quất, rum nho, tramisu, nhân café, vị phúc bồn tử phô mai… với giá từ 20.000 đồng-50.000 đồng/chiếc.
Các sản phẩm bánh này rất đa dạng, được người bán giới thiệu khá hấp dẫn như không sử dụng chất bảo quản, nguồn nguyên liệu sạch… So với bánh Trung Thu của các công ty thì bánh handmade có hạn sử dụng ngắn hơn, chỉ từ 15-20 ngày, nên người kinh doanh dòng bánh này chỉ sản xuất theo đơn hàng đã đặt trước.
Chỉ cần nhập từ khoá 'banh trung thu' trên các trang mạng điện tử là xuất hiện hàng nghìn các mẫu bánh trung thu khác nhau đủ chủng loại, mẫu mã. (Ảnh chụp màn hình)
Chị Mỹ Hạnh, một người chuyên bán hàng online cho biết trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng từ 100-200 chiếc bánh Trung Thu handmade. Để bán được số lượng nhiều, chị thường bán theo combo như 50.000 đồng/3 chiếc size 150g, hoặc 100.000/hộp 7 vị…
Anh Hoàng Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận định bánh Trung Thu handmade được làm với quy mô nhỏ nên vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề anh cân nhắc khi mua hàng, đặc biệt là sau vụ Patê Minh Chay gây ngộ độc cho người dùng thời gian qua.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội ban hành Kế hoạch số 3910/KH-SCT về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung Thu trên địa bàn Thành phố năm 2020. Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 6/10, đơn vị này triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung Thu. Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử thì hoạt động thanh tra, kiểm tra bao gồm cả nội dung hoạt động thương mại điện tử theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng chức năng với số lượng con người hạn chế, chắc chắn không thể với bàn tay tới tất cả các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Bởi vậy, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình, chỉ nên mua bánh từ những thương hiệu uy tín, có cửa hàng đàng hoàng, không nên mua sản phẩm không có bao bì, nhãn mác để có một mùa Trung Thu an toàn, ý nghĩa bảo đảm sức khỏe cho gia đình và người thân./.
Theo Minh Hiếu (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-banh-trung-thu-da-dang-chung-loai-can-trong-voi-handmade/664539.vnp