Với sự đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, trong đó tập trung đầu tư hệ thông quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác các số liệu, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) nước ta đã từng bước đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo dõi diễn biến thời tiết và thu thập số liệu tại trạm khí tượng Thái Bình (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ảnh: PHẠM HƯNG
Năm 1902, tại Ðông Dương một đài quan sát từ trường và khí tượng Trung ương được thành lập và hoạt động có hệ thống, đó là Ðài Thiên văn Phủ Liễn (Hải Phòng). Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41-SL đưa Sở Thiên văn và Ðài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính, với tên gọi Sở Khí tượng; ngày 5-6-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 916/TTg thành lập Nha Khí tượng Thủy văn, kể từ thời điểm này ngành KTTV chính thức được thành lập trực thuộc Chính phủ... Ngày 4-4-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2017/NÐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ðáng chú ý, ngày 17-12-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QÐ-TTg lấy ngày 03-10 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam”.
Theo GS, TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ một mạng lưới hơn 120 trạm khí tượng bề mặt, trạm hải văn, trạm thủy văn, điểm đo mưa, trạm thám không vô tuyến…, trước ngày giải phóng đất nước, đến nay với sự đầu tư của Ðảng, Nhà nước, mạng lưới quan trắc KTTV hiện có 1.719 trạm, điểm đo trên toàn quốc. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2020, mạng lưới trạm đã được đầu tư phát triển 735 trạm, công trình, phương tiện đo KTTV. Tỷ lệ các trạm KTTV được tự động hóa khoảng gần 40%, nhất là các trạm đo mưa, bức xạ được đầu tư mới đã tự động 100%; trạm đo mực nước tự động chiếm 53%. Nhiều công nghệ, thiết bị mới được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin và dữ liệu KTTV. Ngành KTTV đã xây dựng được một trung tâm dữ liệu (Data center) đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế Tier 3 bảo đảm hoạt động ổn định; hệ thống tính toán hiệu năng cao HPC, cơ sở dữ liệu Oracle và ArcGis server, các phần mềm nghiệp vụ xử lý, lưu trữ và chia sẻ toàn bộ số liệu KTTV trong nước và quốc tế. Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc… Ngoài ra, ngành KTTV đã và đang bảo quản tuyệt đối an toàn với 40 trạm có chuỗi số liệu từ 100 đến 135 năm; hàng trăm trạm có chuỗi số liệu từ 20 đến 50 năm, đó là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là nền tảng cho việc nghiên cứu khoa học, phục vụ chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, phòng, chống thiên tai, bão, lụt… Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành KTTV đã theo dõi, dự báo sát và kịp thời 272 đợt không khí lạnh; 43 áp thấp nhiệt đới; 90 cơn bão; 126 trận lũ; 170 đợt nắng nóng và 228 đợt mưa lớn diện rộng. Ðiển hình năm 2018, công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm được khoảng hai phần ba thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40 nghìn tỷ đồng.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dự báo, ngành KTTV tăng cường các giải pháp phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa; nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trong tình hình mới. Toàn ngành lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tốt nhất nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học - công nghệ trong nước; đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, khai thác tài nguyên và môi trường. Ðổi mới phương thức phục vụ của ngành theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội… Tăng cường hệ thống thông tin chuyên ngành theo hướng hiện đại hóa, bao gồm mạng thông tin nội địa giữa Trung tâm dự báo KTTV quốc gia với các trung tâm dự báo khu vực và hệ thống thông tin quốc tế. Ngành KTTV cũng khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa các hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Ngoài ra, toàn ngành tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn viện trợ từ bên ngoài về phương pháp và công nghệ mới, thiết bị, máy móc và phương tiện kỹ thuật, đào tạo cán bộ khoa học cho ngành…
Theo KHÁNH HUY/nhandan.com.vn