Cập nhật: 05/10/2020 10:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”.

Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc, biên giới dài hơn 455km, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Đặc biệt, ở địa phương này, người Mông chiếm số đông với hơn 38%, tiếp sau là người Thái chiếm hơn 35%. Người Kinh chỉ chiếm 17,3%.

 

Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển. Trong ảnh là chợ trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Với vị trí chiến lược, những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn, nhiều dự án để giúp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống một bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, cùng với đặc điểm tự nhiên của tỉnh nên những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng để kích động, tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia hoạt động ly khai, tự trị, tuyên truyền đạo trái pháp luật… 

Sau khi cơ quan chức năng giải tán vụ tụ tập đông người, phá rối an ninh ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tháng 5/2011) và đập tan âm mưu phối hợp trong ngoài tiếp tục gây rối, gây bạo loạn lần 2 tại khu vực biên giới Việt-Trung (tháng 10/2012), tình hình hoạt động tuyên truyền, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông” tại địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, manh động.

Người Mông chiếm số đông ở Điện Biên với hơn 38% dân số.

Lôi kéo những người theo tà đạo “Giê sùa” để thành lập Nhà nước riêng

Trong bài viết trước, VOV đã đề cập 2 nhóm tà đạo xuất hiện ở Điện Biên từ năm 2015 với tên gọi “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”, lôi kéo hơn 1500 người tham gia ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… Bản chất là xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tin theo “Nhà nước Mông” và nhiều lần gửi tiền tài trợ cho số đối tượng cầm đầu tại địa bàn với tổng số hơn 300 triệu đồng.

Đáng chú ý, một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”. Một số đối tượng đã công khai tuyên bố “Ở Mường Nhé hoạt động Nhà nước Mông không thành thì người Mông ở huyện Tuần Giáo sẽ làm, mọi người phải tin theo Giê sùa để lập Nhà nước Mông, ai làm lộ thông tin sẽ giết người đó”. Một số đối tượng cầm đầu hoạt động lập “Nhà nước Mông” đã chỉ đạo các đối tượng theo đạo “Giê sùa” thu thập các thông tin vu cáo chính quyền đàn áp, tiêu diệt người Mông với âm mưu gửi các tổ chức phản động ở bên ngoài nhờ can thiệp, giúp đỡ… làm cho tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào Mông diễn biến rất phức tạp.

Các đối tượng triệt để sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, lỗ hổng trong quản lý sim trả trước, mạng internet, điều kiện địa hình, địa vật, vùng giáp biên, mối quan hệ dòng tộc, đồng tộc, niềm tin tôn giáo mù quáng và các tà đạo “Giê sùa”, “Bà cô Dợ” để tuyên truyền, tập hợp lực lượng tiếp tục gây bạo loạn tại địa bàn. Số đối tượng cầm đầu ở nước ngoài ráo riết xuyên tạc kinh thánh, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội facebook… để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”; tài trợ tiền cho số cầm đầu trên địa bàn.

Âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành

Đầu năm 2018, các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên phát hiện một số đối tượng trên địa bàn móc nối với một số đối tượng phản động ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… và số đối tượng đã trốn ra nước ngoài nhen nhóm hoạt động trở lại. Số đối tượng này từng tham gia nhóm “7 cánh” do Tráng A Chớ ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cầm đầu, hiện đang chấp hành án phạt tù về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Mục đích của tổ chức này là cướp đất, cướp chính quyền, thay thế chính quyền tại huyện Mường Nhé bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy, tổ chức riêng, có chữ viết, có con dấu, cờ, đồng tiền, lực lượng công an quân đội riêng của người Mông, có cương lĩnh riêng.

Xét xử những đối tượng âm mưu lập "Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông". Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Chúng đã nhiều lần họp bàn thống nhất cách thức hoạt động, xây dựng “cương lĩnh”, “điều lệ”, vẽ mẫu “cờ”, đúc “sao”, “dấu”, “trang phục”, vũ khí, phương tiện phục vụ hoạt động lập “Nhà nước Mông”… với âm mưu gây bạo loạn vũ trang, lật đổ chính quyền nhân dân huyện Mường Nhé, lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” và gửi đơn đề nghị Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế công nhận.

Âm mưu của chúng là gây bạo loạn vũ trang, đánh chiếm huyện Mường Nhé, lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” từ đó mở rộng ra các địa bàn khác trong và ngoài tỉnh. “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” gồm 4 cấp : Trung ương- cấp tỉnh- cấp huyện- cấp bản, sau đó mở rộng ra các tỉnh Tây Bắc.

Đầu tháng 3/2019, các đối tượng tụ tập về huyện Mường Nhé để thực hiện chủ trương bắt cóc, thủ tiêu cán bộ nhằm gây tiếng vang, đưa yêu sách với chính quyền.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, kiên quyết đấu tranh, trấn áp những phần tử phản động… một chuyên án đã được thành lập, phối kết hợp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, sự phức tạp của địa hình tại khu vực biên giới Việt- Lào, sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng… Cuối cùng, âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” đã bị vô hiệu hóa.

Thu giữ trang phục “công an Mông”, “bộ đội Mông”và nhiều tài liệu khác

Kết quả đã bắt giữ được 15/20 đối tượng cầm đầu, cốt cán; vận động 8 đối tượng ra đầu thú, xác minh làm rõ, triệu tập đấu tranh vô hiệu hóa 28 đối tượng liên quan, thu giữ 400 triệu đồng, 1 tập tài liệu (49 trang) chữ Mông Latinh có hình quân hàm, quốc huy, sao, cương lĩnh, điều lệ, 3 súng tự chế, 155 viên đạn, 17 sao “7 cánh” bằng kim loại, 22 chiếc áo, 14 chiếc quần trang phục “công an Mông”, “bộ đội Mông”và nhiều tài liệu khác.

Tang vật thu giữ trong vụ án âm mưu thành lập "Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông"

Căn cứ kết quả đấu tranh, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, khởi tố, bắt tạm giam 15 bị can và khởi tố, ra quyết định truy nã đối với 5 bị can đang lẩn trốn.

Với 5 đối tượng lẩn trốn, tổ công tác đã khắc phục khó khăn, không quản ngại nắng mưa, đêm tối liên tục luồn rừng, trèo đèo, lội suối để lần theo dấu vết, truy bắt các đối tượng tại biên giới Việt-Lào thuộc các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ của Điện Biên và tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu; huyện Phong Sa Ly, tỉnh Phong Sa Ly của Lào khiến các đối tượng liên tục phải tìm cách thay đổi nơi lẩn trốn.

Cuối tháng 12/2019, ngay khi phát hiện 5 đối tượng này đang lần trốn, móc nối với số đối tượng phản động ở tỉnh Lai Châu tổ chức tuyên truyền, lôi kéo người tụ tập về bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè để gây bạo loạn, lập “Nhà nước Mông”, các đơn vị chức năng đã phối hợp giải tán vụ tụ tập, đồng thời triển khai các tổ công tác trên các tuyến đường dọc tuyến gianh giới giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Lai Châu để nắm tình hình, ngăn chặn không để người ở địa bàn kéo sang tỉnh Lai Châu tụ tập.

Đến ngày 3/1/2020, các lực lượng chức năng đã giải quyết xong vụ tụ tập, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cốt cán, trong đó có 4/5 đối tượng truy nã, thu giữ được 5 con dấu phục vụ hoạt động lập “Nhà nước Mông” mà nhóm này đang cất giấu tại xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé.

TAND tỉnh Điện Biên xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé. Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

TAND tỉnh Điện Biên xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé. Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Tháng 3 năm 2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã đưa ra xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).

Theo nhận định của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, Chủ tọa phiên tòa Phạm Văn Nam, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hiến pháp quy định và đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại các Điều 109, Điều 88, Điều 389 Bộ Luật hình sự.

Kết thúc phiên tòa, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh với vai trò chủ mưu cầm đầu, là người khởi xướng việc lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, mô hình tổ chức, đúc sao hàm… chịu mức án chung thân. 12 bị cáo còn lại chịu mức án từ 24 tháng đến 20 năm tù giam./.   

Theo Quốc Phong/VOV.VN

Tệp đính kèm