Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thực hiện thí điểm từ năm 1992, nhằm tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Đây cũng là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đòi hỏi các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, cần phải chủ động thay đổi cơ bản về “chất”, thay đổi từ tư duy đến hành động và có những chiến lược cụ thể, bước đi phù hợp mới có thể đứng vững.
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, tỉnh Vĩnh Phúc đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Giai đoạn 2011-2020 đã có hàng chục đơn vị thực hiện chuyển đổi cổ phần hoa và đến năm 2020 Vĩnh Phúc chỉ còn 5 DNNN giữ 100% vốn gồm: Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Vĩnh Phúc và 4 Công ty TNHH MTV Thủy lợi.
Những doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thời gian đầu có nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, huy động nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị; sắp xếp lại vị trí công việc để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Hầu hết thời gian đầu, các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi đều gặp không ít khó khăn về vốn, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm người lao động, thị trường và cả tư duy của những người đứng đầu sau khi không còn bệ đỡ là Nhà nước. Công ty CP Tư vấn xây dựng Vĩnh Phúc là một trong những DNNN chuyển đổi cổ phần hóa. Sau thời gian vất vả sắp xếp và “dám thay đổi”, đến nay doanh nghiệp này đã đứng vững, tham gia vào thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh; phạm vi hoạt động không chỉ bó hẹp trong tỉnh như khi chưa thoái vốn nhà nước, mà doanh nghiệp nay còn nhận được nhiều công trình, dự án ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước,
Phần lớn các DNNN trên địa bàn tỉnh sau khi cổ phần hóa đến nay đều hoạt động hiệu quả, nhiều doanh nghiệp vững mạnh, quy mô lớn gấp nhiều lần, thu nhập, đời sống người lao động được nâng lên, hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường hội nhập như hiện nay./.
Thùy Linh