Dưới đây là tổng hợp một số nghiên cứu khoa học mới nhất về SARS-CoV-2, virus đã lây nhiễm cho hơn 35 triệu người trên toàn cầu và khiến hơn 1 triệu người tử vong.
Đeo khẩu trang không ảnh hưởng đến phổi
Các nhà nghiên cứu cho biết, đeo khẩu trang có thể gây khó chịu nhưng việc này không hạn chế lượng oxy cung cấp đến phổi, ngay cả đối với những người mắc bệnh phổi nặng.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm tác động của việc đeo khẩu trang phẫu thuật đối với quá trình trao đổi khí, quá trình cơ thể bổ sung oxy vào máu đồng thời loại bỏ carbon dioxide (CO2), ở 15 bác sĩ khỏe mạnh và 15 cựu quân nhân mắc bệnh phổi nghiêm trọng bằng cách đi bộ nhanh 6 phút trên một bề mặt phẳng.
Ảnh minh họa: CNBC
Kết quả thử nghiệm cho thấy, cả những bác sĩ khỏe mạnh và bệnh nhân bị bệnh phổi nặng đều không có sự thay đổi lớn nào trong quá trình trao đổi khí sau khi đi bộ hoặc 30 phút sau đó.
Theo bản báo cáo của các nhà nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Thorax hôm 2/10, sự khó chịu khi đeo khẩu trang có thể không phải do việc hít lại CO2 và giảm lượng oxy. Thay vào đó, khẩu trang có thể gây khó chịu do kích thích các dây thần kinh nhạy cảm trên khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu cho biết, sự khó chịu như vậy sẽ không gây ra lo ngại về an toàn vì điều đó có thể giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 9 tiếng trên da người
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại nhiều giờ trên da người. Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm bằng cách sử dụng da của tử thi được sử dụng để ghép da. Kết quả cho thấy, trong khi virus cúm A tồn tại dưới 2 tiếng trên da người, virus SARS-CoV-2 có thể sống sót trong hơn 9 tiếng. Tuy nhiên, cả 2 loại virus đều bị tiêu diệt hoàn toàn trong vòng 15 giây bởi nước rửa tay chứa 80% cồn.
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị sử dụng nước rửa tay chứa 60%-95% cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 20 giây. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, lây truyền SARS-CoV-2 phần lớn xảy ra qua các giọt bắn. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu mới kết luận, vệ sinh tay đúng cách là việc quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ngưng thở khi ngủ có thể khiến tình trạng Covid-19 tồi tệ hơn
Một nghiên cứu mới cho thấy, chứng rối loạn giấc ngủ có thể khiến bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cao hơn. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia của Phần Lan, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong khi tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở những người có và không có chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) là ngang nhau, những người mắc Covid-19 kèm theo chứng OSA sẽ có nguy cơ nhập viện cao hơn.
Khi những người mắc chứng OSA đang ngủ, hơi thở của họ sẽ ngừng trong thời gian ngắn và sau đó hoạt động lại, điều này thường xảy ra nhiều lần trong đêm. OSA có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe như béo phì, huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường.
Mặc dù nghiên cứu không thể chứng minh rằng, OSA gây ra các hệ quả về Covid-19 nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, một bài báo đăng tải trên medRxiv cho thấy, các nhà nghiên cứu khuyên các bác sĩ nên khuyến cáo những bệnh nhân nghi nhiễm hoặc được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 rằng, rối loạn giấc ngủ là một yếu tố gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
Nhiệt kế hồng ngoại có thể không chính xác ở người lớn
Một nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng, nhiệt kế hồng ngoại không tiếp xúc, được sử dụng từ lâu ở trẻ em và hiện đang sử dụng để đo thân nhiệt ở những nơi công cộng, có thể không đo chính xác nhiệt độ cơ thể ở người lớn.
Trong một nghiên cứu với 265 người lớn tại 2 bệnh viện, các nhà nghiên cứu Australia đã so sánh nhiệt kế hồng ngoại với nhiệt kế đo động mạch thái dương - tiếp xúc với trán khi đo. Khi nhiệt độ cơ thể dưới 37,5 độ C, cả 2 loại nhiệt kế cho kết quả tương tự. Nhưng đối với nhiệt độ cơ thể cao hơn, nhiệt kế hồng ngoại có độ chính xác kém, với sự chênh lệch lớn hơn khi nhiệt độ tăng lên.
Các nhà khoa học cho biết, chỉ có 37 người tham gia nghiên cứu bị sốt nên cần có các nghiên cứu lớn hơn để xác nhận phát hiện này./.
Theo CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)