Cập nhật: 08/10/2020 09:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khóa họp đã tổ chức 36 phiên họp, bao gồm 8 phiên thảo luận chung, 3 phiên thảo luận chuyên đề, 1 phiên thảo luận khẩn cấp, về nhiều vấn đề quyền con người...

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam. (Ảnh: Xuân Hoàng/TTXVN)

Ngày 7/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết thúc Khóa họp thường kỳ lần thứ 45.

Khóa họp đã tổ chức 36 phiên họp, bao gồm 8 phiên thảo luận chung, 3 phiên thảo luận chuyên đề, 1 phiên thảo luận khẩn cấp, về nhiều vấn đề quyền con người như hợp tác với Liên hợp quốc và cơ chế của Liên hợp quốc trong lĩnh vực quyền con người; quyền phát triển; quyền con người của người di cư; khủng bố và quyền con người; tình hình nhân quyền tại một số nước...

Bên cạnh đó, Khóa 45 Hội đồng Nhân quyền đã tiến hành thông qua các báo cáo kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 12 nước (Kyrgyzstan, Guinea, Lào, Lesotho, Kenya, Armenia, Guinea-Bissau, Thụy Điển, Grenada, Thổ Nhĩ Kỳ, Kiribati và Guyana).

Ngoài ra, Khóa 45 Hội đồng Nhân quyền đã tiến hành bầu 7 thành viên của Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền và 9 báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập và thành viên nhóm làm việc.

Khóa họp có nhiều diễn biến đáng chú ý, trong đó nổi lên là Phiên thảo luận khẩn cấp về tình hình Belarus.

Phiên thảo luận đã thu hút sự quan tâm của các nước và tổ chức quốc tế, với sự tham dự của Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Nada Al-Nashif, phát biểu qua video ghi hình của 11 Bộ trưởng Ngoại giao.

Kết thúc phiên thảo luận, trên cơ sở đệ trình của Đức thay mặt EU, Hội đồng Nhân quyền đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tình hình Belarus trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử tổng thống ở nước này, trong đó yêu cầu Cao ủy Nhân quyền theo dõi sát tình hình, cập nhật và khuyến nghị cho Hội đồng Nhân quyền trong năm 2020 và báo cáo Hội đồng Nhân quyền một cách toàn diện bằng văn bản trong phiên đối thoại sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền (dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021).

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn đã tham gia tích cực tại khóa họp.

Đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại 8 phiên, đáng chú ý tại Đối thoại về Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với quyền con người, Phiên thảo luận chuyên đề về quyền phát triển, Phiên thảo luận chuyên đề lồng ghép bình đẳng giới... đoàn Việt Nam khẳng định Việt Nam cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19; ủng hộ hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch và phục hồi hậu đại dịch; coi trọng các chính sách ổn định kinh tế-xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch COVID-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Đối với các vấn đề nêu tại khóa họp liên quan đến Việt Nam, đoàn Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao; nhấn mạnh bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thực hiện tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất thông qua đối thoại và hợp tác.

Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ một số nghị quyết đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua tại khóa họp lần này, trong đó Nghị quyết về quyền phát triển, Nghị quyết về hợp tác kỹ thuật và tăng cường năng lực...

Thay mặt ASEAN, đoàn Việt Nam đã phát biểu chung tại một số phiên thảo luận chính của khóa họp về quyền phát triển, lồng ghép bình đẳng giới, Đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Myanmar, Đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Campuchia...

Đoàn Việt Nam đã tham gia khóa họp trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế./.

Theo Tố Uyên-Xuân Hoàng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/be-mac-khoa-hop-thuong-ky-lan-thu-45-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc/668056.vnp

Tệp đính kèm