Cập nhật: 20/10/2020 11:10:00
Xem cỡ chữ

Ngày 20-10, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, từ ngày 6 đến 19-10, mưa lũ đã làm 132 người chết và mất tích. Có 177.921 hộ dân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập.

Sơ tán người dân Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ra khỏi nơi nguy hiểm. Ảnh: NGÔ TUẤN.

Cụ thể, có 105 người chết và 27 người còn đang mất tích. Trong đó, nguyên nhân do sạt lở đất làm chết và mất tích: 65 người, lũ: 44 người, tai nạn tàu biển: tám người, bất cẩn khi dọn vệ sinh: bốn người, nguyên nhân khác: 10 người.

Địa phương thiệt hại nặng nề nhất về người là Quảng Trị với 49 người chết, tám người mất tích. Tiếp đến là Thừa Thiên Huế 27 người chết, 15 người mất tích; Quảng Nam có 11 người chết; Quảng Bình có sáu người chết, tăng bốn người so với ngày trước đó; Đà Nẵng có ba người chết, một người mất tích; Hà Tĩnh có hai người chết, một người mất tích; Kon Tum có hai người chết; Gia Lai một người chết, một người mất tích; các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng có một người chết.

Ngày 19-10, các lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể của 22/22 cán bộ, chiến sĩ tại vị trí sạt lở Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

Tính đến 17 giờ ngày 19-10 có 177.921 hộ dân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập.

Cụ thể, Nghệ An có 21 hộ ngập tại huyện Anh Sơn. Hà Tĩnh có 31.000 hộ tại 10 huyện, thị xã, thành phố: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Tx. Kỳ Anh và Vũ Quang.  

Quảng Bình có 95.141 hộ tại tám huyện, thị xã, thành phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, TX Ba Đồn, TP Đồng Hới và Quảng Trạch.

Quảng Trị: 53.759 hộ tại chín huyện, thành phố: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Tp Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong và Hải Lăng.

Thừa Thiên Huế hiện còn 39/145 phường, xã (24% số xã toàn tỉnh) còn ngập 0,3 đến 0,5 m.

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 19-10, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã sơ tán 52.115 hộ với 90.953 người. Tại Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 22.979 hộ.

Về giao thông, có 16 tuyến Quốc lộ, 165.150 m đường Quốc lộ, 140.125 m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Hiện tại, ngập lụt, chia cắt tại ba điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Về nông nghiệp, có 6.989 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ năm tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.

Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

Theo THẢO LÊ/nhandan.com.vn