Cập nhật: 26/10/2020 14:11:00
Xem cỡ chữ

Coi công nghiệp hỗ trợ là yếu tố quan trọng, động lực để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm ngành chính: Công nghiệp cơ khí; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử - tin học; công nghiệp dệt may, giày dép và công nghiệp vật liệu xây dựng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển, góp phần đưa tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 bình quân lên 16,2%/năm, cao hơn so với mức tăng 11,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ trở thành mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ từ 50 - 100% cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu… Đây được coi là điều kiện thuận lợi để công nghiệp hỗ trợ có những bước phát triển nhanh, mạnh, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của tỉnh../.

Hà Giang