Phần lớn mọi người đều cho rằng ung thư là do môi trường và lối sống không lành mạnh. Tuy nhiên có nhiều người thực hiện kiêng cữ tuyệt đối, thể dục thể thao thường xuyên nhưng vẫn mắc bệnh.
Ung thư tại Việt Nam đang gia tăng
Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát. Những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những phần khác trong cơ thể.
Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. Ở nữ giới, các loại phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung.
Tính đến năm 2019, mỗi năm thế giới ghi nhận thêm 18 triệu ca mắc mới. Ung thư cũng cướp đi sinh mạng của 8,8 triệu người (tỉ lệ tử vong là 15,7%).
Bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng. Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, tại Việt Nam, ung thư mắc mới tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm ở Việt Nam cũng có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1).
Những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư
1/3 số bệnh ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và cùng với điều trị chăm sóc hỗ trợ sẽ làm tăng chất lượng sống cho 1/3 số bệnh nhân ung thư còn lại.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư mà bạn cần nắm để chủ động trước bệnh tật:
- Thiếu năng lượng: Nếu đột nhiên cảm thấy thiếu năng lượng, luôn trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí ngủ lâu mà vẫn không cải thiện tình hình, bạn phải cảnh giác với bệnh ung thư.
- Giảm cân đột ngột: Nếu không ăn kiêng hay thực hiện các biện pháp giảm béo, mà đột ngột giảm cân không rõ nguyên nhân thì nên chú ý đến tình trạng sức khỏe, bởi đây là dấu hiệu chung của nhiều loại bệnh ung thư.
- Mất cảm giác thèm ăn: Nếu bạn rất đói nhưng lại không hứng thú với việc ăn uống và tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, hãy cảnh giác với bệnh ung thư.
- Khả năng miễn dịch suy giảm: Những người có hệ miễn dịch tốt thường sẽ không bị cảm lạnh quá 2 lần trong năm. Tuy nhiên, khi mắc ung thư, nhiều hoạt động của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, trong đó đương nhiên có cả khả năng miễn dịch. Chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân bị ốm vặt (cảm lạnh, cúm, viêm họng…) thường xuyên hơn và lâu khỏi hơn so với thông thường, hãy chủ động đi thăm khám.
- Tình trạng thiếu máu: Ung thư là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thiếu máu. Da xanh xao, luôn chóng mặt, mệt mỏi, là những biểu hiện điển hình của tình trạng này.
- Nhu động ruột thay đổi: Sự thay đổi đặc điểm của phân, thói quen đi đại tiện là những dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư đại trực tràng và không nên bỏ qua.
Phát hiện sớm ung thư giúp điều trị bệnh hiệu quả
Nếu phát hiện sớm, hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Đối với giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần loại bỏ khối u, mà không cần thêm phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị… giúp giảm thiểu chi phí điều trị, giảm tác dụng phụ và biến chứng, có thể bảo toàn khả năng sinh sản, không ảnh hưởng đến diện mạo…
Dưới đây là tỷ lệ điều trị thành công và tỷ lệ sống của một số bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm:
- Ung thư đại tràng: Hơn 90% trường hợp ung thư đại tràng có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
- Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn, cơ hội sống chỉ còn 6%.
- Ung thư buồng trứng: Hơn 90% phụ nữ chẩn đoán bị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn cơ hội chỉ còn 5%.
- Ung thư phổi: Ung thư phổi là bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi sẽ sống ít nhất 1 năm sau chẩn đoán, trong khi cơ hội này chỉ còn 14% ở giai đoạn muộn.
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn