Chiều qua (9/11), theo giờ địa phương, Tổng thống Trump bất ngờ đăng tải dòng Tweet nói rằng ông sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Khởi đầu chuỗi ngày sóng gió nhất
Đây có thể là diễn biến đầu tiên trong 72 ngày biến động nhất trên chính trường Mỹ cho tới khi Tổng thống đắc cử nhậm chức.
Ông Mark Esper. Ảnh: NBC News
“Mark Esper đã bị sa thải. Tôi muốn gửi lời cảm ơn ông ấy vì sự phục vụ của ông ấy suốt thời gian qua”, ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân.
Ông Trump cho biết thêm, ông đã lựa chọn Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC), làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay cho ông Esper.
Bộ Quốc phòng Mỹ cuối ngày hôm qua công bố bức thư mà ông Esper gửi tới các binh sỹ và các nhân viên trong Bộ Quốc phòng, ca ngợi đóng góp và tinh thần làm việc của họ. Tuy nhiên bức thư không hề nhắc đến ông Trump.
“Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người vì đã sống theo chuẩn mực, tôn trọng lời thề của các bạn với Hiến pháp”, bức thư có đoạn viết.
Thượng nghị sỹ Jack Reed, thành viên cấp cao của Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng, việc sa thải ông Esper là quyết định liều lĩnh: “Sa thải Bộ trưởng Quốc phòng trong thời điểm chính quyền đang suy yếu đã làm tổn hại an ninh quốc gia. Quyết định của Tổng thống Trump cho thấy ông đặt cái tôi của mình lên trên các nhu cầu của người dân và lên trên việc đảm an ninh quốc gia của chúng ta”.
Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngay lập tức ra tuyên bố chỉ trích ông Trump: “Việc Bộ trưởng Esper bị sa thải một cách đột ngột là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump đang có ý định sử dụng những ngày cuối cùng tại vị để gieo rắc sự hỗn loạn trong nền Dân Chủ Mỹ và trên toàn thế giới. Đảm bảo sự ổn định là điều vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống và đang trở thành vấn đề cấp thiết ở thời điểm hiện nay. Một lần nữa, sự liều lĩnh của ông Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng ta. Điều đáng lo ngại hơn là quân đội được dẫn dắt bởi một quan chức chưa được Thượng viện phê chuẩn cho vị trí bộ trưởng quốc phòng”.
Theo CNN, quyết định này của ông Trump không mấy ngạc nhiên bởi Bộ trưởng Mark Esper từ lâu đã nằm trong danh sách những nhân vật bất đồng ý kiến với Tổng thống Trump, kể từ khi ông Esper phản đối việc sử dụng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình, bạo loạn bùng phát trên nhiều thành phố lớn của Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd hồi tháng 5/2020. Ông Esper đã viết sẵn đơn từ chức một vài tuần trước cuộc bầu cử vì thế ông biết ngày này trước sau gì cũng sẽ đến.
Đối với bất cứ chính quyền nào, việc sa thải bộ trưởng quốc phòng qua một dòng Tweet sẽ là vấn đề lớn, nhưng đối với chính quyền Tổng thống Trump việc sử dụng Twitter dường như đã thành thông lệ. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump có thể thu hút sự chú ý vì đây là bước khởi đầu cho chuỗi ngày sóng gió và biến động nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ.
Tổng thống Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử. Trong một cuộc họp vào hôm qua (9/11), các quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông khẳng định rằng, ông Trump vẫn còn cơ hội để chiến thắng và sự thật sẽ tiếp tục được làm rõ trong những tuần tới. Tổng thống Trump trước đó từng thừa nhận “Thất bại giống như một viên thuốc đắng rất khó nuốt trôi”.
“Chiến thắng rất dễ dàng còn thất bại không bao giờ dễ dàng, đặc biệt đối với tôi”, ông Trump nói với các nhân viên trong đội ngũ tranh cử vào Ngày Bầu cử.
Việc các hãng truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay đã khiến Tổng thống Trump tức giận. Quyết định sa thải Mark Esper chỉ là khởi đầu cho những động thái giận dữ của Tổng thống Trump từ nay cho đến ngày 20/1/2021. Cây bút Chris Cillizza của CNN nhận xét: “Nếu bạn nghĩ tổng thống vẫn kiềm chế cho đến thời điểm hiện tại, thì bạn đã sai lầm”.
Trước thềm cuộc bầu cử, ông Trump liên tục công kích Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray vì không điều tra một cách hiệu quả những cáo buộc tham nhũng trong cơ quan này. Washington Post hồi cuối tháng 10 đưa tin, ông Trump đang xem xét sa thải ông Wray sau cuộc bầu cử. Động thái này có thể đe dọa cả chiếc ghế của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr – một người trung thành với ông Trump, nhưng lại không ủng hộ việc Tổng thống cáo buộc FBI đã có những sai phạm khi điều tra cuộc bầu cử năm 2016. Trong khi đó, Axios cũng đưa tin, ông Trump có thể sa thải giảm đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Gina Haspel.
“Chiếc hộp pandora đã mở…”
Việc thay đổi một loạt nhân sự tại các cơ quan như Bộ Quốc phòng, CIA và FBI Bộ Tư pháp có thể chỉ là bước khởi đầu trong công cuộc loại bỏ những nhân vật mà Tổng thống Trump cảm thấy không đủ trung thành.
CNN dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cho biết: “Giám đốc Văn phòng Nhân sự Nhà Trắng đang loan báo thông tin rộng khắp chính quyền rằng nếu ông ấy nghe tin về bất cứ một ai đang có ý định tìm kiếm công việc khác, họ sẽ bị sa thải”.
Sau khi tiến hành thay đổi nhân sự, Tổng thống Trump có thể đưa ra quyết định xá tội cho các thành viên trong gia đình và các quan chức trong chính quyền ông.
Mark Osler, một chuyên gia luật tại Đại học St. Thomas cho rằng: “Dù thắng hay thua, ông Donald Trump có thể ban hành lệnh ân xá cho các thành viên trong gia đình, các quan chức trong chính quyền ông, thậm chí cả bản thân ông … trước khi họ bị kết tội về bất cứ điều gì”.
Ông Trump đã quyết định giảm án tù cho người bạn lâu năm đồng thời là cựu cố vấn Roger Stone, người bị kết án khai man trước Quốc hội để bảo vệ tổng thống hồi tháng 7 vừa qua, ra lệnh ân xá cho cựu Thống đốc Illinois Rod Blagojevich và cựu Cảnh sát trưởng Quận Maricopa Joe Arpaio.
Tổng thống Trump có thể thực hiện những động thái bất ngờ, thông qua các sắc lệnh hành pháp hay các quy định pháp lý. Sẽ còn có rất nhiều điều ông có thể làm cho đến khi ông chính thức mãn nhiệm vào trưa ngày 20/1/2021.
“Chiếc hộp pandora đã mở hay thần đèn đã bay ra ngoài, bạn có thể chọn bất cứ câu thành ngữ nào trong số này để nói về tình hình hiện nay. Ông Trump bây giờ sẽ có 10 tuần để thực hiện những điều ông ấy cần làm mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao khi ông ấy nhận thức được rằng sẽ không có thêm một nhiệm kỳ nào. Điều duy nhất khiến ông ấy bị ràng buộc là mối quan tâm về việc tái tranh cử vào năm 2024. Nhưng những người ủng hộ trung thành nhất với ông ấy sẽ coi bất cứ hành động nào mà ông làm trong những ngày cuối cùng làm tổng thống là điều phù hợp với cả hai đảng phái. Họ sẽ không phản đối”, nhà bình luận Chris Cillizza viết.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) - Ngày 10/11/2020