Đình Tân Nhuận Đông còn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của đình Nam Bộ với hệ thống câu đối, liễn, hoành phi gỗ sơn son thếp vàng nên thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Toàn cảnh đình Tân Nhuận Đông. (Nguồn: baodongthap.vn)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Nhuận Đông, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Đình Tân Nhuận Đông được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19, được vua Tự Đức ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” năm 1852. Đình được hình thành từ khá sớm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của dân cư trên vùng đất mới, ghi dấu ấn lịch sử phát triển của vùng đất Phú Nhuận xưa, thuộc huyện An Xuyên (nay là xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp).
Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, đình Tân Nhuận Đông được xây dựng và tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong việc thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai phá, tạo lập đình, phò trợ cho cuộc sống của nhân dân an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó, đình còn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của đình Nam Bộ với hệ thống câu đối, liễn, hoành phi gỗ sơn son thếp vàng nên thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Quy mô kiến trúc, đình Tân Nhuận Đông là một trong những ngôi đình lớn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Châu Thành nói riêng. Đình có kết cấu và trang trí nội thất độc đáo. Ngôi đình có kích thước dài 30m, rộng 16m, được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian hai chái bằng, chủ yếu bằng gỗ với kiến trúc mái chồng mái. mái lợp ngói vảy cá. Riêng các bờ nóc và gờ mái xây ximăng đã phủ màu rêu phong cổ kính.
Trên các bờ nóc, gờ mái trang trí đề tài hoa văn, hồi văn, cuốn thư và bốn con rồng sơn màu vàng đặt ở bốn gốc mái. Ở giữa các tầng mái được trang trí, chạm khắc nhiều họa tiết, hoa văn như bình hoa, cuốn thư, ngọc như ý, hoa văn, tuần lộc, lưỡng long chầu nhật… công phu và đạt trình độ mỹ thuật cao. Những họa tiết trang trí mang ý nghĩa cầu mong cho nhân dân được an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình yên vui.
Cùng với đó, kết cấu bên trong của ngôi đình có ba gian chính gồm gian vỏ ca, gian chánh điện, gian hậu điện. Mỗi gian nhà bao gồm các cột cái, cột quân và cột hiên. Các cột được chọn lựa từ những loại gỗ quý, thân tròn, to khỏe, bền chắc như căm xe, cà chất... Dù đã hơn 100 năm tuổi, những hàng cột vẫn chắc chắn nhờ sự liên kết giữa cột, kèo, đòn tay, trính, xuyên... Tất cả tạo thành bộ khung vững chắc nâng đỡ toàn bộ ngôi đình; đồng thời tạo không gian rộng rãi mỗi khi khách hành hương đến tham quan, cúng lễ.
Ngoài những giá văn hóa, kiến trúc như trên, đình Tân Nhuận Đông còn mang giá trị văn hóa truyền thống thể hiện qua lễ hội cúng đình. Đặc biệt, trong Lễ hội Kỳ Yên Hạ điền đã thu hút hàng chục nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh về tham dự cúng lễ.
Thông qua lễ hội cúng đình, người dân muốn thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần, những vị tiền nhân đã khuất, người có công trong việc xây dựng xóm làng để con cháu có được cuộc sống ấm no như ngày nay.
Các hoạt động lễ hội thể hiện sự giao thoa tình cảm, gắn kết tình làng nghĩa xóm của người dân; đồng thời tô điểm thêm giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đình làng Nam Bộ.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 88 Di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 71 di tích cấp tỉnh./.
Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN/Vietnam+) – Ngày 11/11/2020
https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-xep-hang-quoc-gia-di-tich-kien-truc-dinh-tan-nhuan-dong/676218.vnp