Theo Nghị định 117, từ ngày 15/11/2020, mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm sẽ tăng lên từ 200.000-500.000 đồng thay vì mức 100.000-300.000 đồng như hiện nay.
Vừa qua, tại hội nghị triển khai Nghị định 117 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hết sức quan trọng để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước của ngành y tế. Tuy nhiên, một số quy định cũ chưa bảo đảm tính khả thi, khó xác định hành vi vi phạm, mức phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe, thẩm quyền xử phạt chưa được phân định cụ thể. Vì vậy Bộ Y tế cũng dành thời gian để phổ biến cụ thể, kỹ hơn một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều Luật khác nhau.
Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định từ Điều 25- Điều 29.
Tại Điều 25 quy định về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, nếu như trước đây chỉ xử phạt từ 100.000-200.000 đồng thì hiện nay tăng lên từ 200.000-500.000 đồng.
Nếu tại địa điểm cấm hút thuốc không có biển “cấm hút thuốc lá”, cơ quan chức năng sẽ xử phạt từ 3 triệu- 5 triệu đồng. Hành vi hút thuốc lá tại địa điểm quy định cấm có thể bị phạt tới 500.000 đồng.
Tại Điều 26 Nghị định này quy định về mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế...
Phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Bà Trang cho rằng, quy định mới tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm về thuốc lá, tạo điều kiện cơ quan chức năng tăng cường xử phạt.
Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn.
Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Chưa có quy định cụ thể cho thuốc lá thế hệ mới
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính, Bộ Tư pháp cũng cho rằng ngoài các loại thuốc lá điếu truyền thống, hiện trên thị trường cũng xuất hiện mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá thế hệ mới). Tuy nhiên, các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về thuốc lá từ các Điều 25 đến Điều 29 trong Nghị định 117 không quy định cụ thể về xử lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới.
“Trường hợp đặt các quy định về quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới sẽ phải có sự rà soát, nghiên cứu kỹ để xác định rõ việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý trong lĩnh vực thuốc lá có phù hợp hay không, cần có những sửa đổi, bổ sung nào cho phù hợp với những yếu tố đặc thù của loại thuốc lá này”- bà Liên cho biết.
Theo bà Liên, bên cạnh các nghiên cứu, đề xuất dưới góc độ quản lý ngành, lĩnh vực về sản xuất và kinh doanh hàng hóa, cần phải có những nghiên cứu, đề xuất của cơ quan y tế dưới góc độ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do đó, để có nhận định đầy đủ trên cơ sở các bằng chứng nghiên cứu khoa học y tế làm cơ sở cho việc xác định biện pháp quản lý phù hợp, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất đưa ra các nghiên cứu, nhận định, đánh giá khoa học về các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tới sức khỏe người sử dụng và tới môi trường xung quanh. Từ đó đưa ra các nhận định cần cấm sử dụng và lưu thông trên thị trường hoặc được hạn chế sử dụng hay sử dụng với các điều kiện bảo đảm giảm thiểu tác hại tới người sử dụng và môi trường./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN - Ngày 14/11/2020