ASEAN dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Việt Nam trong năm 2020 đã đạt được những mục tiêu lớn lao.
Những con số biết nói
80 văn kiện quan trọng đã được ký kết tại 20 kỳ họp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Đây là thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Lãnh đạo ASEAN và các đối tác tại lễ ký kết Hiệp định RCEP.
Trong đó, đáng chú ý có Hiệp định RCEP với quy mô 26.000 tỷ USD với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và 30% tổng GDP thế giới chính là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định RCEP là Hiệp định tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.
Tầm quan trọng của RCEP đối với khu vực và thế giới có thể được thấy rõ qua đánh giá của Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, trong đó nhấn mạnh: “Việc ký kết được RCEP trong năm nay sẽ trở thành động lực quan trọng cho khu vực và trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. RCEP cũng sẽ trở thành nền tảng để các quốc gia hợp tác chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như khôi phục kinh tế trong khu vực và trên thế giới”.
Đây là những con số hết sức ấn tượng cho thấy thành công của nước chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động “chưa từng có tiền lệ” trên thế giới và cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam trong công tác tổ chức cũng như hiện thực hóa những sáng kiến, mục tiêu mà ASEAN và các đối tác đã đặt ra.
Ứng phó Covid-19, phục hồi kinh tế
Covid-19 cũng chính là chủ đề được nhắc đến và thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-37. Dù thừa nhận những hệ lụy nghiêm trọng do Covid-19 gây ra đối với thế giới trong năm 2020, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác vẫn ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc kêu gọi sự đoàn kết, nhất trí chung tay đối phó với dịch bệnh thông qua những hành động thiết thực.
Liên Hợp Quốc đánh giá cao vai trò của ASEAN trong phòng chống Covid-19.
Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia. Nỗ lực chung tay đối phó với dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện rõ quyết tâm và sự sẵn sàng của các quốc gia ASEAN và các đối tác trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch Covid-19, triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể, trong đó tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư để đảm bảo hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn.
Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm.
Cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đồng thời tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN.
Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm kỳ Chủ tịch 2020 và có thể tự hào chuyển giao vai trò này cho Brunei vào năm 2021.
Hướng tới hoàn tất COC ở Biển Đông
Biển Đông luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại mỗi kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị lần thứ 37 cũng không phải là ngoại lệ. Đây cũng là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận của nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam.
Cụ thể, nhiều đối tác lớn của ASEAN trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, ủng hộ các quốc gia ven biển thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên biển phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hoá, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, coi đây là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
Các bên cũng bày tỏ mong muốn hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Có thể thấy, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song với tinh thần tự chủ, tích cực và thiện chí đối thoại với các đối tác, ASEAN, dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Việt Nam trong năm 2020 đã đạt được những mục tiêu lớn lao. Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 vì thế đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế./.
Theo Hoàng Khánh Cường/VOV.VN – Ngày 16/11/2020