Cập nhật: 20/11/2020 08:33:00
Xem cỡ chữ

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới, song IMF khuyến cáo, Việt Nam cần duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô mang tính hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khoá.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đó là nhờ Việt nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế những thiệt hại về sức khoẻ người dân và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 được dự báo thuộc nhóm cao nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Bà Dabla-Norris, đại diện Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF, đánh giá, những chính sách củng cố tài khoá thận trọng trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai được những biện pháp ứng phó tài khoá và cho đến nay, các phản ứng chính sách tài khoá chủ yếu đi theo hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm căng thẳng tài chính tạm thời của NHNN đã giúp giảm áp lực thanh khoản, hạ thấp chi phí nguồn vốn và đảm bảo tín dụng tiếp tục lưu thông.

"Nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Tăng trưởng được dự báo sẽ mạnh mẽ trở lại và đạt mức 6,5%, khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường. Chính sách tài khoá và tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục mang tính hỗ trợ, mặc dù mức hỗ trợ không còn lớn như trong năm 2020. Lạm phát được dự báo sẽ vẫn ở sát mức mục tiêu mà các cơ quan chức năng đề ra ở mức 4%", bà Dabla-Norris nhận định.

Tuy nhiên, đại diện IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều bất trắc đáng kể, như khả năng bùng phát dịch trở lại, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và phá sản, căng thẳng trong thị trường lao động và khu vực ngân hàng.

Với những bất trắc nêu trên, theo bà Dabla-Norris, việc linh hoạt điều chỉnh quy mô và cơ cấu hỗ trợ chính sách sẽ trở nên rất quan trọng. Chính sách tài khoá phải đóng vai trò lớn hơn trong tổ hợp chính sách hỗ trợ. Để khai thác được tối đa tiềm năng lớn của Việt Nam, cần tiếp tục tập trung vào cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng năng suất và khắc phục những mất cân đối của nền kinh tế.

"Trong năm nay, thâm hụt tài khoá dự báo sẽ nới rộng do thu ngân sách giảm, chi hỗ trợ bằng tiền và chi đầu tư đều tăng. Hỗ trợ tài khoá nên tiếp tục duy trì trong năm 2021 với ưu tiên cho việc cải thiện hiệu quả công tác triển khai. Trong trung hạn, cần tập trung vào huy động nguồn thu cho các dự án hạ tầng xanh và hiệu quả, tăng cường các hệ thống an sinh xã hội và đảm bảo bền vững nợ công", bà Dabla-Norris nêu rõ./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN - Ngày 19/11/2020