Cập nhật: 23/11/2020 08:55:00
Xem cỡ chữ

Những tín hiệu tích cực vừa qua đã cho thấy thế giới có thể kỳ vọng vào một Biển Đông hòa bình, ổn định hơn trong năm 2021.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, học giả tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, được tổ chức dưới hình thức bán trực tuyến tại Hà Nội trong 2 ngày 16-17/11. 

Xây dựng một Biển Đông an toàn, an ninh và thịnh vượng là điều mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang hướng đến. Ảnh minh họa: Reuters

Xây dựng một Biển Đông an toàn, an ninh và thịnh vượng là điều mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang hướng đến. Ảnh minh họa: Reuters

Nét mới từ cuộc chiến công hàm

Suốt 1 năm qua, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến “cuộc chiến công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông khởi đầu từ việc Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa vào tháng 12/2019. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia và cả Mỹ, Australia đều đã gửi công hàm, công thư phản đối các lập luận sai trái của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Mới đây nhất, vào tháng 9, 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức cũng đã gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia, học giả nhận định, đây là một dấu hiệu cho thấy tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp cả trên thực địa và trên bàn ngoại giao. Dù vậy, theo các chuyên gia và các học giả, đây là một tín hiệu rất tích cực bởi nó cho thấy, vấn đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, thay vì có những động thái làm leo thang tình hình căng thẳng có thể dẫn đến đối đầu và đụng độ quân sự không đáng có xuất phát từ những toan tính sai lầm, các quốc gia đã hướng nhiều hơn đến yếu tố pháp lý, trong đó đặc biệt coi trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và lấy đó làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

“Trong các công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông, hầu hết các nước đều nhấn mạnh luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đây là yếu tố rất quan trọng, cho thấy rằng, không thể chỉ lấy yếu tố lịch sử ra để đòi hỏi quyền nọ, quyền kia trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 là có thể thuyết phục được mọi người. Mọi hành vi trên biển, bao gồm cả những đòi hỏi, yêu sách chủ quyền đều phải dựa trên UNCLOS 1982”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định.

Cùng chung quan điểm với ông Phạm Quang Vinh, bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, từ việc các nước gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để thể hiện quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông, có thể thấy xu hướng rất quan trọng, trong đó các nước đã nỗ lực tìm cách dựa trên pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo.

Bên cạnh đó, với việc đưa ra quan điểm của mình một cách chính thức thông qua các công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc, các nước đã khẳng định các nguyên tắc quan trọng của UNCLOS 1982, đặc biệt là những nội dung đã được nêu trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.

“Bằng những cách như vậy, Việt Nam chúng ta cũng đã phủ nhận những yêu sách không hợp lý như vẽ đường cơ sở xung quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hay phủ nhận các yêu sách về các vùng biển quanh các đảo, nhóm đảo trái quy định”, bà Phạm Lan Dung nói.

Yêu sách "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc bị bác bỏ vì vi phạm các quy định của UNCLOS.

Những giải pháp giúp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn có thể làm trầm trọng hơn nữa những tranh chấp tại khu vực có tầm quan trọng về địa-chính trị lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia, học giả cho rằng, cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng long tin chiến lược gữa các nước, đặc biệt là những nước lớn và các quốc gia có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông.

Ngoài ra, các bên có liên quan và có lợi ích trong vấn đề Biển Đông cũng cần tìm mọi cách ngăn chặn những đụng độ, đối đầu quân sự không đáng có trên Biển Đông. Trong đó, quan trọng nhất chính là việc cùng xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực hành vi cho các hoạt động trên biển, bao gồm các lực lượng quân sự, dân sự và thực thi pháp luật trên biển.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan sử dụng khuôn khổ hợp tác song phương hoặc các cơ chế đa phương khu vực như các cơ chế của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác. Trên cơ sở đó, Việt Nam hy vọng các bên sẽ tích cực, sáng tạo tìm biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát hòa bình các tranh chấp hiện nay thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Có thể thấy, Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề hết sức đáng lưu ý trong năm 2020 khi cả thế  giới vẫn đang phải căng mình đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực vừa qua đã cho thấy thế giới có thể kỳ vọng vào một Biển Đông hòa bình, ổn định hơn trong năm 2021./.

Theo Hoàng Khánh Cường/VOV.VN – Ngày 18/11/2020