Cập nhật: 23/11/2020 08:28:00
Xem cỡ chữ

Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định để phòng chống sạt lở bờ biển, không làm mất bãi tắm, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ đầu tư xây dựng kè ngầm phá sóng.

Hàng loạt công trình phục vụ du lịch của khu nghỉ dưỡng tại Cửa Đại bị sóng biển cuốn phăng. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trước thực trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng 10 năm trở lại đây, làm hư hại nhiều công trình, cảnh quan bờ biển, để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, ngày 19/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác xử lý chống sạt lở bờ biển Hội An thời gian qua; triển khai các giải pháp thời gian tới.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đại diện lãnh đạo của các sở, ban ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về chống sạt lở bờ biển trong và ngoài tỉnh, đại diện các chủ đầu tư các dự án dịch vụ du lịch dọc ven biển phường Cửa Đại và phường Cẩm An.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất nguyên nhân khách quan dẫn đến sạt lở bờ biển là do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa bão lớn, trong khi nguyên nhân chủ quan là do thời gian gần đây, mức độ xây dựng các công trình ven bờ biển ngày càng nhiều làm phá hỏng hệ sinh thái ven bờ biển.

Trên quan điểm cùng chung tay xây dựng thành phố Hội An phát triển, là điểm đến an toàn của du khách và dựa trên thực tế một số đoạn kè đã từng được xây dựng để chống sạt lở bờ biển của thành phố trước đây cũng như các giải pháp chống sạt lở hiệu quả của một số nước trên thế giới, các đại biểu, nhà khoa học, chủ đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp để phòng chống sạt ở tại Hội An.

Theo các đại biểu, cần khẩn trương xây dựng kè cứng (bằng bêtông cốt thép) tại các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, làm kè mềm (làm bờ kè bằng các bao cát được cố định bằng các cột tre chôn sâu xuống bờ biển) tại các khu vực bị sạt lở ít, không đe dọa đến tính mạng, tài sản; dựa trên quy luật tự nhiên, tạo cảnh quan, cây cối, đồi cát tự nhiên để phòng chống sạt lở, không đi ngược lại với thiên nhiên, môi trường; làm kè 3 lớp bằng các bao cát được cố định bằng các cột tre chôn sâu xuống bờ biển hoặc làm bằng các tấm mành đan bằng tre để giữ cát chống sạt lở...

Theo các đại biểu, để chống sạt lở trên toàn bộ gần 8km bờ biển của thành phố Hội An, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ, Nhà nước, nhân dân cùng làm, đặc biệt là công tác tuyên truyền đến người dân, để mọi người hiểu hậu quả của sạt lở biển ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố; qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân với hoạt động phòng, chống sạt lở bờ biển.

Sau khi nghe các ý kiến thiết thực, khoa học, khách quan của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An khẳng định để phòng chống sạt lở bờ biển, không làm mất bãi tắm, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ đầu tư xây dựng kè ngầm phá sóng ở các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng.

Đối với các khu vực bị sạt lở nhẹ, trước mắt các hộ dân cần phối hợp với chính quyền khẩn trương đầu tư xây dựng kè mềm bằng bao cát được cố định bằng các cột tre để chống sạt lở trong khi chờ đợi giải pháp giải quyết dứt điểm sạt lở bờ biển./.

Theo Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN/Vietnam+) – Ngày 19/11/2020

https://www.vietnamplus.vn/quang-nam-xay-ke-ngam-pha-song-de-phong-chong-sat-lo-bo-bien-hoi-an/677829.vnp