Cập nhật: 28/11/2020 14:45:00
Xem cỡ chữ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành Ngân hàng khắc phục hiện trạng khen thưởng “từ trên xuống” và chú trọng khen thưởng đến tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp.

Sáng nay (28/11), tại Hà Nội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chánh văn phòng TW Đảng Lê Minh Hưng; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tham dự Đại hội.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành Ngân hàng đảm bảo việc xét khen thưởng khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, có tác dụng nêu gương, trong đó phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác khen thưởng; khắc phục hiện trạng khen thưởng “từ trên xuống” và chú trọng khen thưởng đến tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội.

Những năm gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và có những yếu tố không thuận lợi; đặc biệt năm 2020, dịch bệnh Covid-19 lan rộng phức tạp trên toàn cầu, trong nước biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, lũ, sạt lở đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Với bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đó, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; mặt bằng lãi suất ổn định và có chiều hướng giảm, nhất là từ đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trước những tác động bất lợi của dịch bệnh; tăng trưởng tín dụng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được tăng cường, nợ xấu được kiểm soát; Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại... Bên cạnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, ngành Ngân hàng còn rất tích cực trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những đóng góp của ngành Ngân hàng đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, trong đó, ngành Ngân hàng đã thực sự đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng những năm qua.

"Trong triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngành Ngân hàng đã có nhiều thành tích, góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn ngành đã nỗ lực, đóng góp, hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, ngành Ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành với thành tựu chung của đất nước; biểu dương những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân qua các phong trào thi đua, cũng như những tấm gương thầm lặng khác trên mặt trận lao động của ngành Ngân hàng.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch; ngoài các phương hướng, nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng đã đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, ngành tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; thực hiện tốt Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua để tránh sự dập khuôn, cứng nhắc; cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; nội dung thi đua cần tiếp tục bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển “an toàn - hiệu quả - bền vững”, cùng với việc không ngừng sáng tạo để cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Chính phủ phát động, trọng tâm là phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”, theo đó cần quan tâm đến việc đổi mới, cải tiến cách thức, lề lối làm việc, xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng tận tâm, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và sáng tạo".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo việc xét khen thưởng khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, có tác dụng nêu gương, trong đó phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác khen thưởng; khắc phục hiện trạng khen thưởng “từ trên xuống” và chú trọng khen thưởng đến tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank.

Phát biểu tham luận tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho biết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, ngân hàng đã xây hơn 100 căn nhà, hàng trăm cây cầu đường hỗ trợ các gia đình, địa phương khó khăn. Tổ chức chương trình thường niên “Chắp cánh yêu thương” với hàng trăm hoạt động đa dạng trên cả nước. Trao hơn 24.000 thẻ bảo hiểm y tế, 12.000 ca mổ mắt cho người nghèo, thường xuyên tổ chức khám bệnh, phát thuốc khắp các vùng sâu vùng xa. Đồng hành cùng Giải Cờ vua Quốc tế thường niên trong 1 thập kỷ qua; đồng hành với Giải bóng đá Futsal từ năm 2017.

Trong đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng nhà nước, HDBank đã trao hơn 10 tỷ đồng, 1000 giường y tế cao cấp, 3 tỷ đồng trang bị máy lọc giúp đỡ bà con phòng chống nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho các tập thế, cá nhân.

Theo Lê Tuyết/VOV.VN - Ngày 28/11/2020