Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 2 cá nhân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009-2019.
Chiều 28/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ tuyên dương Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 2 cá nhân.
Cùng dự chương trình có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương-Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Tham dự chương trình có 400 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực an sinh xã hội.
"Khi lần đầu tiên em đến thăm gia đình, thấy chị Hà con bác đi học về, bác hỏi là: Hà về đấy hả con. Đến khi em đi học về, bác cũng hỏi em là Hồng về đấy hả con. Trong khoảnh khắc ấy em thấy mình thực sự là con gái của bác."
"Trên người bác vẫn mặc áo sơ mi, bạc màu, đôi giầy của bác đi cũng rất là cũ. Bác chưa một lần tự mua sắm cho mình cái gì mà chỉ mua sắm cho các con từng chiếc áo, đôi giầy, chiếc tất...và hôm nay chúng con tặng bác chiếc áo thay cho những lời cảm ơn của chúng con đối với bác."
Đó là những tâm sự, trải lòng của 2 người con trong rất nhiều người con nuôi mà ông Nguyễn Trung Chắt, người được vinh danh tại Lễ tuyên dương Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tổ chức vào chiều nay. Ông là cựu chiến binh về hưu, đã sáng lập và xây dựng 3 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập mang tên Hy Vọng, để nuôi dạy trẻ mồ côi tại tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn. Đến nay, sau 18 năm hoạt động, ông đã nuôi dạy 292 trẻ bất hạnh, trong đó 177 em đã trưởng thành, nhiều em được học cao đẳng, đại học và có người trở thành thạc sĩ.
Ông Nguyễn Trung Chắt cùng các con nuôi trực tiếp chia sẻ câu chuyện của đại gia đình Hy Vọng tại chương trình.
Cuộc gặp mặt những gương sáng thầm lặng lần thứ nhất gồm 400 đại biểu tiêu biểu, đó là những người như ông Chắt hay là các thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Là những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người già có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam. Họ là những nhân viên y tế đã sát cánh mấy chục năm bên những người bệnh nhân hiểm nghèo, nằm liệt giường, không tự lực trong sinh hoạt. Họ là những người dân đang thầm lặng với hàng trăm chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm tối để chuyên chở người bị tai nạn, người bệnh khó khăn cần cứu giúp.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng đã có nhiều đóng góp, hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống và nhà ở của người có công, cũng như các đối có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng cần trợ giúp, trong đó 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều đối tượng yếu thế khác.
Vì thế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn thời gian tới cần đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và các phần quỹ vì cộng đồng khác để có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn cuộc sống của người có công với cách mạng cũng như của các gia đình, cá nhân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch nước xúc động nói: "Điều quan trọng cần kịp thời tôn vinh, biển dương những sự ủng hộ và đóng góp quý báu này, cũng như sự hy sinh, giúp đỡ bằng sức người, sức của của mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho cộng đồng trên mọi lĩnh vực, mọi đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Đây chính là những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, những điển hình tích cực trong công tác xã hội, để xã hội ngày càng có nhiều câu chuyện đẹp, nhiều tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống để không ai bị bỏ lại phía sau.
Các cơ quan truyền thông, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lan tỏa trong toàn xã hội, như lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 2 cá nhân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo Lê Tuyết/VOV – Ngày 28/11/2020