Cập nhật: 01/12/2020 15:44:00
Xem cỡ chữ

Cuộc đời hoạt động của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét và những di sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Những đúc rút tâm huyết của đồng chí Lê Đức Anh cũng là những bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Sáng nay (1/12), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Các đại biểu dự Lễ kỉ niệm. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tưởng nhớ và tri ân đồng chí Lê Đức Anh, chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị quân sự tài ba, đức độ và nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn thân thiết, tin cậy của bạn bè quốc tế. “Đặc biệt buổi lễ trọng thể này được tổ chức trên quê hương yêu dấu của đồng chí Lê Đức Anh, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng vẻ vang, trung tâm văn hóa đặc sắc của nước ta”, Thủ tướng bày tỏ.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh, Thủ tướng nêu rõ, đồng chí Lê Đức Anh, sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế (quê quán: Xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Sinh ra trong gia đình quê hương giàu truyền thống yêu nước cách mạng, trong cảnh nước mất nhà tan đã sớm hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào dân chủ ở quê nhà, đấu tranh giảm sưu cao thuế nặng. Năm 18 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm đầu hoạt động cách mạng, dưới ách thống trị hà khắc của thực dân phong kiến, đồng chí đã vượt lên gian khổ, không sợ hy sinh, hăng hái, tổ chức vận động gây dựng và phát triển phong trào trong các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh và các địa bàn lân cận.

Đồng chí chủ yếu gắn bó chiến trường miền Nam gian khổ ác liệt và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Tham mưu phó Tư lệnh Nam Bộ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân hướng Tây Nam tiến công vào Sài Gòn.

Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất Bộ Tư lệnh tổ chức nhiều trận đánh, chiến dịch trên địa bàn miền Đông Nam Bộ và giành thắng lợi bởi cách đánh linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc, đậm nét nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điển hình là chiến dịch Bến Cát 1950 giành thắng lợi đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Từ chỗ ta bị động đối phó với cuộc hành quân càn quét của địch sang chủ động tổ chức những trận chiến công có quy mô chiến dịch.

Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh Cánh quân hướng Tây- Tây Nam tiến công Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy sát cánh, lập được chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng tham quan gian trưng bày về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh. Ảnh VGP/Quang Hiếu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng. Đồng chí giữ các chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Chỉ huy trưởng tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam rồi Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương, nay là Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa 9 đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.  Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974, được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984; là ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII, Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Với cương vị Tư lệnh Quân khu 9, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã tham gia chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo, chỉ huy lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, cùng quân và dân Campuchia thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cách mạng, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.

Bước vào công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đồng chí Lê Đức Anh được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đảm nhiệm những trọng trách lớn, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn, quyết sách quan trọng có tính đột phá để tái thiết đất nước, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước trong chiến lược mới sau những năm đầu cả nước thực hiện đường lối Đổi mới với biết bao khó khăn, thử thách rất gay gắt.

Với tâm niệm “nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu kém phát triển so với quốc gia dân tộc khác cũng không nhẹ gì nỗi nhục mất nước”, trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi động lực và tiềm năng để phát triển sản xuất, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, chuyển sang thời kỳ ổn định và phát triển công nghiệp, hóa hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chỉ đạo thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, đưa Việt Nam từng bước hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Đó là những tiền đề rất quan trọng để đất nước ta tiếp tục giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong giai đoạn mới.

Là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn của người dân. Đến với các địa phương, đồng chí thường dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe người dân và cán bộ cơ sở để nắm được thực chất cuộc sống của đồng bào. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo các địa phương: Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân, từ đó cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp thiết thực để đảm bảo các điều kiện phát triển sản xuất, đảm bảo quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến thăm nhiều nơi, đồng chí Lê Đức Anh đã tận mắt chứng kiến và vô cùng thương cảm trước những hoàn cảnh của những người vợ, người mẹ có chồng, có con đi chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Đồng chí đã đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Đây là một chính sách đúng đắn, mang đậm tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.

Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú và sôi nổi, đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám nói, dám làm, nói đi đôi với làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Được tôi luyện vào sinh ra tử, trưởng thành qua đấu tranh cách mạng và chiến đấu trong kháng chiến, được giao nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tận tâm, tận lực, hết lòng vì nước vì dân, có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh là cuộc đời và sự nghiệp của một nhà lãnh đạo quyết đoán, có tư duy nhạy bén, sắc sảo với tầm nhìn xa trông rộng, một nhà lãnh đạo chiến lược nhưng rất sát sao, cụ thể, nghiêm khắc trong công việc nhưng rất gần gũi chân tình trong cuộc sống, quyết đoán trong hạ đạt mệnh lệnh nhưng lại rất khiêm tốn lắng nghe, ghi nhận ý kiến chính đáng của cán bộ, chiến sĩ.

“Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh đã tâm huyết rút ra: Luôn học tập, không ngừng nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ và trước cấp trên. Luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, có tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết”, Thủ tướng nói. Những đúc rút tâm huyết của đồng chí Lê Đức Anh cũng là những bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Cuộc đời hoạt động của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét và những di sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn của đồng chí, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã rèn luyện nên người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng có người chỉ huy tài ba đức độ, tự hào về quê hương Thừa Thiên- Huế nơi sinh ra người con ưu tú cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới phát triển nhanh và bền vững. Quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Theo Đức Tuân/chinhphu.vn - Ngày 1/12/2020