Từ thực tiễn thế giới và vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran mới đây, có thể nói, điều khiển từ xa đã trở thành xu hướng chiến tranh và vũ khí của thế kỷ 21.
Vũ khí ám sát hoàn hảo nhất
Giới chức Iran cho biết, một khẩu súng máy điều khiển từ xa đã được sử dụng để ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của nước này thứ Sáu tuần trước (27/11). Theo hãng thông tấn Iran FARS, chiến dịch hạ sát “cha đẻ vũ khí hạt nhân Iran” được cho là không có thủ phạm nào tại hiện trường vụ tấn công. Đây là một chi tiết mới so với các thông báo trước đó của Iran rằng, có đến 12 kẻ sát nhân đã ra tay, trong đó bao gồm hai tay súng bắn tỉa.
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran. Nguồn: thenationalnews.com
Theo báo cáo mới nhất về các sự kiện do Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, trình bày, "không có cá nhân nào có mặt tại hiện trường". Nếu đúng, đây sẽ là trường hợp sử dụng vũ khí ám sát hoàn hảo nhất, nhưng đó chỉ là một bước tiến nhỏ về mặt kỹ thuật, vì vũ khí robot ngày càng trở nên phổ biến đối với những kẻ khủng bố và quân nổi dậy.
Trên thực tế, các vũ khí điều khiển từ xa có lịch sử khá lâu. Trong Thế chiến II, B-29 Superfortress đã hoàn toàn không có xạ thủ từ năm tháp pháo đặt ở các điểm khác nhau trên máy bay, thay vào đó súng nhắm từ “đài ngắm” mái vòm bằng thủy tinh. Một máy tính đời đầu - hệ thống điều khiển hỏa lực trung tâm của General Electric - được dùng để tính toán độ lệch cần thiết nhằm hướng các họng súng về phía mục tiêu.
Với hai súng máy điều khiển từ xa trên mỗi tháp, một chiếc B-29 đã từng bắn hạ bảy máy bay chiến đấu Nhật Bản trong một lần xuất kích. Các tháp pháo từ xa tương tự vẫn tiếp tục được sử dụng trên phiên bản đầu tiên máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ. Công nghệ chế tạo vũ khí điều khiển từ xa đã tiến thêm một bước khi máy quay truyền hình cho người điều khiển chế độ xem bằng mắt thường.
Xu hướng chiến tranh của thế kỷ 21
Trong các cuộc xung đột gần đây ở Iraq và Afghanistan, quân nổi dậy thường tấn công xạ thủ súng máy trên xe bọc thép bằng thiết bị nổ tự chế (improvised explosive device - IED) hoặc súng bắn tỉa. Chính vì thế phần lớn xạ thủ đã được thay thế bằng một hệ thống có tên gọi là Trạm vũ khí điều khiển từ xa thông thường (Common Remotely Operated Weapon Station- CROWS), công việc điều khiển vũ khí được thực hiện từ trong vỏ giáp xe.
Kongsberg có trụ sở tại Na Uy đã cung cấp khoảng 20.000 hệ thống điều khiển từ xa, có thể dùng cho súng máy cỡ nòng 0,5 inch, 7,62mm hoặc súng phóng lựu, với các tùy chọn về ảnh ngày, đêm hoặc ảnh nhiệt. Các hệ thống được ổn định hoàn toàn, vì vậy xạ thủ có thể hướng súng máy vào mục tiêu ngay cả khi đang di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Vũ khí điều khiển từ xa và robot ngày càng trở nên phổ biến đối với những kẻ khủng bố và phiến quân. Nguồn: forbes.com
Theo báo cáo năm 2016 mang tên “Súng trường bắn tỉa và súng máy điều khiển từ xa của bọn khủng bố và nổi dậy” của Robert Bunker và Alma Keshavarz dành cho Quân đội Mỹ, các phát minh mới loại này được áp dụng sớm và nhiều nhất trong Quân đội Syria Tự do; vũ khí cũng đã lan sang các lực lượng dân quân Shia và các chiến binh người Kurd ở Iraq, các nhóm phiến quân thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mặc dù công nghệ không tinh vi như CROWS trên các phương tiện chiến đấu của Quân đội Mỹ, nó chắc chắn đạt được mục tiêu hiệu quả và bắn chính xác. Các loại vũ khí rất đa dạng, từ súng trường tấn công đến súng máy hạng nhẹ, súng bắn tỉa cỡ nòng 0,5 inch, được gắn trên các giá treo cố định, một số khác trên các robot có bánh lốp hoặc bánh xích. Điều khiển thường thông qua cáp, với xạ thủ chỉ cách vài mét, một số được điều khiển bằng radio từ tầm xa hơn.
Những vũ khí điều khiển từ xa như vậy, hiện được sử dụng rộng rãi trên khắp Trung Đông, có khả năng đã truyền cảm hứng cho các sát thủ hạ sát nhà khoa học hạt nhân Iran. Về mặt chiến thuật, chúng cung cấp một nền tảng bắn chính xác, ổn định và không bị căng thẳng khi bắn, các xạ thủ từ xa có cơ hội cân nhắc nhiều hơn trong các phát bắn của mình.
Nó cũng có hai lợi thế chính so với việc sử dụng các tay súng trên thực địa - không có nguy cơ một đặc nhiệm bị giết hoặc bị bắt trong một cuộc đấu súng với đối phương (theo các thông tin, có ít nhất hai xe chở bảo vệ) và thứ hai là cuộc tấn công không thể bị theo dõi.
Điều khiển từ xa được cho sẽ trở thành xu hướng vũ khí của thế kỷ 21. Nguồn: forbes.com
Theo FARS, vũ khí điều khiển từ xa được đặt trong một chiếc xe tải bên đường. Sau khi vũ khí khai hỏa từ cự ly 150m, nhiều viên đạn trúng nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh (một vệ sĩ cũng bị trúng đạn), một quả bom lớn đã được kích nổ phá hủy chiếc xe tải. Việc ẩn danh này chính xác là logic, đã khiến nhiều quốc gia, bao gồm cả Iran, sử dụng máy bay không người lái thay vì máy bay có người lái cho các điệp vụ cụ thể.
Iran tuyên bố tìm thấy bằng chứng tại địa điểm vụ tấn công có liên quan đến quân đội Israel nhưng điều này có vẻ khó có thể kết luận với những gì đã diễn ra tại hiện trường. Với việc thiếu bằng chứng xác thực, hoàn toàn có khả năng hành động đó không phải do Israel thực hiện mà do một số tác giả khác che đậy kỹ lưỡng dấu vết của họ, hoặc những người có thể mong muốn Israel phải chịu trách nhiệm. Theo một số chuyên gia, điều khiển từ xa là xu hướng chiến tranh của thế kỷ 21. Và bây giờ, có vẻ như, người ta không phải chỉ đề phòng các máy bay không người lái từ trên không.
Theo CTV Lê Ngọc/VOV.VN - Ngày 2/12/2020