Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm. Từ đó, góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND các cấp đã kiểm tra gần 4.600 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, có hơn 3.700 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chiếm hơn 81%; đã thực hiện nhắc nhở gần 840 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 22 cơ sở, với số tiền hơn 120 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không niêm yết công khai giá hàng hóa; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên bao bì; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; cơ sở không thực hiện lưu mẫu thực phẩm; chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm... Thông qua công tác thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tới người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát có hiệu quả chất lượng ATVSTP từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, để hạn chế tối đa thực phẩm “bẩn” đến tay người tiêu dùng, bên cạnh các biện pháp của ngành chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về đảm bảo ATVSTP; kiểm tra và đọc kỹ nhãn mác sản phẩm thực phẩm trước khi lựa chọn; không sử dụng sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.
Kim Liên