Trong vài năm trở lại đây ở Thanh Hóa xuất hiện tình trạng các ổ nhóm hình sự bảo kê gái hát, thậm chí là sang, bán, chuyển nhượng các cô gái từ quán này đến quán khác.
Sau nhiều chuyên án dày công theo dõi, điều tra, các trinh sát hình sự công an tỉnh Thanh Hóa nhận ra rằng, phía sau những “gái hát” chuyên phục vụ mở bia tại các quán karaoke là những ổ nhóm hình sự, hoạt động bảo kê phức tạp và nguy hiểm. Đây là một chiêu thức mới của tội phạm buôn người dưới hình thức “gái hát”.
Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa lý giải: “Các nhân viên quán hát, hầu hết được ký hợp đồng lao động đúng nghĩa là đến lao động giúp việc tại quán, nhưng thực tế bản chất đây là các nhân viên phục vụ quán hát, chuyên mở bia cho khách. Nhiều khi có thể bị ép bởi vì đây là những cô gái ở vùng dân tộc thiểu số, lúc đầu thấy rao trên mạng là đến để giúp việc, nhưng khi đến công việc lại là tiếp khách. Thậm chí là khách ưng là bị bắt đi tiếp mại dâm. Các cô gái này muốn bỏ nghề nhưng không thể, vì có thể sẽ bị nhốt, bị giam lỏng. Điều này có dấu hiệu của tội giữ người trái pháp luật”.
Cũng theo Trung tá Thịnh, khi nhân viên đã “cũ”, các quán hát sẽ tìm cách đẩy đi và kiếm người mới. Và để lấy tiền cho việc tìm kiếm nhân viên mới thì các đối tượng sẽ bán người cho quán khác. Điều này cũng đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người.
Điển hình cho chiêu thức mới của bọn buôn người dưới hình thức bảo kê gái hát ở Thanh Hóa phải kể đến Chuyên án 620M mà Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công hồi tháng 6/2020.
Với thủ đoạn lên Facebook làm quen, dụ dỗ các cô gái trẻ không có việc làm về làm nhân viên các quán karaoke với mức lương cao, các đối tượng đã lập đường dây mua bán nhiều cô gái trẻ từ các tỉnh về Thanh Hóa.
Thủ đoạn của bọn chúng là, sau khi thu phục được các cô gái, chúng đưa trước cho các cô gái trẻ một số tiền từ vài triệu đồng, nói là tiêu xài cá nhân. Tuy nhiên, sau đó các đối tượng “lật mặt”, tuyên bố số tiền đó là cho vay và buộc các cô gái phải phục tùng theo “luật ngầm” và làm nhân viên để trả nợ. Nếu các cô gái đòi về, chúng sẽ đe dọa, nhốt các cô gái này vào một chỗ và ép phải ở lại tiếp tục làm việc.
Việc đấu tranh, điều tra tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan đến ổ nhóm hình sự, hoạt động bảo kê. Với kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với tội phạm buôn bán người, Trung tá Lê Văn Đức, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận ra rằng, những cô gái trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi vị thành niên đã bị buộc “gia nhập” và hành nghề gái hát. Chỉ cần có chút nhan sắc, các cô gái có thể bỏ túi tiền triệu mỗi đêm, thế nhưng các cô không biết rằng mình đang là nạn nhân của bọn buôn người.
“Do điều kiện rất khó khăn, các cô gái xuống thành phố làm đơn giản muốn được ăn ngon, mặc đẹp. Cơ quan điều tra đã được nhận nhiều tin tố giác tin báo tội phạm, giải cứu cho các em. Nhưng sau khi về quản lý tại địa phương, thì y như rằng các cô gái lại bỏ đi chỗ khác, là bị hại trong vụ án chúng tôi tìm khó hơn cả bị can, không thể tìm được”, Trung tá Lê Văn Đức nói.
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu nhân viên quán hát tăng mạnh và tội phạm mua bán người dưới hình thức bảo kê gái hát cũng bắt đầu xuất hiện. Hoạt động này chủ yếu thuộc băng nhóm tội phạm hình sự, bảo kê và nảy sinh những va chạm, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn./.
Theo CTV Vĩnh Nguyên/VOV.VN - Ngày 12/12/2020