Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) phê duyệt thực hiện 12 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN), với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Các dự án tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, như: cam, chè, dược liệu, bò vàng, dê, lợn đen địa phương.
Mô hình trồng cam chất lượng cao ở Hà Giang.
Qua 5 năm triển khai, nhiều mô hình đã đạt hiệu quả tốt, từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức canh tác, biết làm giàu trên vùng đất “cao nguyên đá” khắc nghiệt.
Hà Giang là một tỉnh nghèo, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, có sáu huyện nằm trong diện 61 huyện nghèo nhất cả nước theo Quyết định 30a của Chính phủ. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH và CN, nhiều dự án thuộc Chương trình NTMN đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Hà Giang. Kết quả thực hiện các dự án NTMN là điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết bốn “nhà” trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương. Qua 5 năm triển khai, bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất chè, cam an toàn với diện tích hàng nghìn héc-ta; các mô hình chăn nuôi gia súc: bò vàng, dê, lợn đen bản địa phát triển theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng vùng thâm canh cây keo lai quy mô 100 ha nhằm phát triển rừng kinh tế; mô hình trồng bảo tồn, lưu giữ giống gốc với quy trình nhân giống, chế biến năm loài cây thuốc nhằm tạo ra nguồn dược liệu có chất lượng cao…
Dự án Ứng dụng KH và CN sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công suất đạt 2.500 m3 sản phẩm/năm đã đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở huyện Xín Mần. Theo đó, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã tham gia điều tra, khảo sát lựa chọn địa điểm nhà xưởng, tư vấn thiết bị. Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần (huyện Xín Mần) là đơn vị được Bộ KH và CN hỗ trợ thực hiện hai dự án. Với quy mô nhà xưởng hơn 5.000 m2 và một dây chuyền đồng bộ, hiện đại chế biến gỗ rừng trồng, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 lao động tại nhà máy và hàng trăm lao động trồng rừng, xẻ gỗ, vận tải… Khi người dân thấy được sản phẩm bàn, ghế, ván từ gỗ keo do chính mình trồng có giá trị sử dụng đã tăng ý thức về kinh tế rừng.
Chia sẻ về dự án phát triển gia súc, bà Mai Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng cho biết: Hiện nay, giống bò vàng cao nguyên đá Ðồng Văn đứng trước nguy cơ bị thoái hóa nguồn gien do giao phối cận huyết. Dự án của Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng đã áp dụng KH và CN để tuyển chọn, phát triển bò đực và bò cái đạt tiêu chuẩn, giúp cải tiến năng suất, chất lượng đàn bò hiện nay. Hằng năm, trung tâm sản xuất từ 10-15 nghìn liều tinh cọng rạ bảo đảm tiêu chuẩn phân phối cho người dân chăn nuôi thụ tinh nhân tạo có chọn lọc. Bê con sinh ra có chất lượng tốt so với cho giao phối trực tiếp. Dự án ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống bò vàng cao nguyên đá Ðồng Văn bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và là động lực để mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi.
Qua các dự án được triển khai tại tỉnh Hà Giang, đến nay toàn tỉnh đã đào tạo được 105 cán bộ, gần 2.000 lượt nông dân về các kỹ thuật trồng trọt, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sáu doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Theo lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Hà Giang, các dự án thuộc Chương trình NTMN triển khai trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðây là chương trình có ý nghĩa thiết thực và là cầu nối giữa khoa học với sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và doanh nghiệp tham gia dự án, giải quyết lao động nông nhàn, từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về KH và CN, nhất là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các dự án NTMN còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác triển khai. Khó khăn nhất chính là địa hình vùng cao phức tạp, độ dốc lớn lại bị chia cắt đã tạo thành nhiều vùng, tiểu vùng khác nhau về đất canh tác và nguồn nước. Mặt khác, với tập quán canh tác của 19 dân tộc cũng làm cho công tác triển khai gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, các dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ tại chỗ cho sản xuất còn nhiều bất cập, cộng với trình độ nhận thức hạn chế của người dân làm cho hiệu quả của chương trình còn gặp nhiều trở ngại.
Để Chương trình NTMN đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Hà Giang cho rằng: Cần có cơ chế lồng ghép với các chương trình nông thôn mới, khuyến công, khuyến nông… nhằm huy động được nhiều nguồn lực xã hội thực hiện chuyển giao công nghệ, nhân rộng kết quả các mô hình, đồng thời có giải pháp phối hợp như vay vốn ưu đãi, thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; có giải pháp hỗ trợ các địa phương trong ứng dụng công nghệ cao vào các dự án; tập trung hỗ trợ phát triển các loại cây, con đặc sản, duy trì phát triển các nghề truyền thống nhằm nâng cao giá trị và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Theo Tuấn Anh/nhandan.com.vn - Ngày 12/12/2020