Không chỉ sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tỉnh còn tăng cường phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và các địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng, trao đổi thông tin để kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Đây là một số kết quả nổi bật được nêu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam(Ảnh: Lê An) |
Cụ thể, 10 năm qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn và các địa phương ven biển quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị định 30/2010/NĐ-CP, Nghị định 130/2015/NĐ-CP, Thông tư 153/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam.
Thông qua công tác tuyên truyền, người dân các địa phương ven biển, các chủ tàu, ngư dân trực tiếp tham gia sản xuất, khai thác trên biển cũng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ an ninh trên biển và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, nắm chắc số lượng, chất lượng tàu thuyền có thể huy động, lựa chọn 27 tàu thuyền có công suất từ 300 CV trở lên cùng 7 - 10 ngư dân, 3 dân quân biển, 1 cán bộ quân sự hoặc biên phòng và 1 cán bộ địa phương trên mỗi tàu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, hàng năm, giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện cho các lực lượng trong diện được tuyển chọn, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với yêu cầu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các cấp, ngành, địa phương ven biển tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đăng ký, quản lý số lượng cũng như chất lượng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện.
Cùng với đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển gắn với “Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển” rộng khắp, phấn đấu ở tất cả các tàu, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ đều có tổ dân quân tự vệ biển, đồng thời, xây dựng lực lượng chuyên trách (kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển, hải đội dân quân thường trực) đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”, giải quyết tốt các chế độ, chính sách, động viên kịp thời nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.
Về những đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 30/2010/NĐ-CP, Nghị định 130/2015/NĐ-CP và Thông tư 153/2016/TT-BQP như việc bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho các chủ tàu, thuyền, lực lượng tham gia huấn luyện, diễn tập huy động tàu thuyền, sự thiếu đồng bộ hệ thống thông tin liên lạc…, đồng chí Hà Sỹ Đồng giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp đề xuất, báo cáo cấp trên theo đúng quy định.
Dịp này, 9 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen./.
Theo Anh Tuấn/dangcongsan.vn - Ngày 17/12/2020