Cập nhật: 23/12/2020 10:35:00
Xem cỡ chữ

Vai trò của hai di sản thế giới Hôi An và Mỹ Sơn trong phát triển du lịch đã tạo động lực mạnh mẽ để đưa tỉnh Quảng Nam phát triển trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung.

Quang Nam phat huy thuong hieu Mot diem den, hai di san the gioi hinh anh 1

Quần thể di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Những ngôi nhà với mái ngói cổ kính, giàn hoa giấy rủ xuống những mảng tường rêu phong, ánh đèn lồng lung linh của phố cổ Hội An; sự trầm mặc tĩnh lặng của thánh địa Mỹ Sơn - đã và đang tạo nên sức hút kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước, khi đến Quảng Nam - nơi được biết đến với “Một điểm đến-Hai Di sản.”

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.

Ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra Quyết định số 54VH/QĐ công nhận Mỹ Sơn là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Năm 1898, một người Pháp tên là M.C Paris đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp. Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn.

Cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn và cho thấy đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm.

Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.

Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông-phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông-tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.

Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc công trình lớn nhất là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ chung quanh, tháp này được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chămpa đã bị bom Mỹ đánh đổ vào cuối năm 1969.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva-Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc.

Sau bao nhiêu năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Mỹ Sơn vẫn còn là một di tích có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, nó kết tinh của trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ.

Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999.

Khu phố cổ Hội An

Quang Nam phat huy thuong hieu Mot diem den, hai di san the gioi hinh anh 2

Một góc Phố cổ Hội An về đêm. (Ảnh: TTXVN)

Di tích Phố cổ Hội An (thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam), được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia từ ngày 19-3-1985. Hội An, theo quan niệm của người xưa là nơi hội tụ của sự yên vui, may mắn.

Đây là di tích kiến trúc cư dân đô thị của thời Trung đại duy nhất còn lại gần như nguyên vẹn ở nước ta. Từ thế kỷ XVI-XIX, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông-Tây, một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong-Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... thường đến Hội An để trao đổi, mua bán hàng hóa.

Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ.

Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích. Kiến trúc chùa tại Hội An rất phong phú. Đa số chùa tại đây theo dòng Phật giáo Tiểu thừa. Những ngôi chùa lớn như chùa Chúc Thánh, Phước Lâm, Hội Phước có niên đại từ thế kỷ XVII, XVIII.

Có những chùa được xây vào đầu thế kỷ XX như Cẩm Hà, Viên Giác, Long Tuyền. Ba chùa này đều được trang trí bên ngoài bằng nghệ thuật ghép gốm sứ. Một số chùa do người Hoa xây như chùa Kim Sơn (1697), chùa Thanh Long, Bảo Khánh (1696), Chùa Phước Kiến hay còn gọi là Hội quán Phước Kiến (1697).

Một cây cầu độc đáo do người Nhật Bản xây vào khoảng thế kỷ XVII, nổi tiếng với tên gọi là chùa Cầu (còn gọi là Lai Viễn Kiều). Cầu được xây theo hướng Đông Tây, bắc ngang qua một con lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn.

Chùa Cầu dài 18,7 mét rộng 3 mét làm theo kiểu "Thượng gia hạ kiều," mái lợp ngói âm dương, sàn cầu lót gỗ, ở giữa dành cho xe cộ, hai bên giành riêng cho người đi bộ, móng xây bằng đá.

Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu. Hai gian đầu hợp với 7 gian giữa tạo chữ "Công", cầu hợp với chùa tạo chữ "Đinh."

Hội An có trên 10 ngôi đình, phần lớn để thờ những người đã có công khai phá, lập làng. Đình có niên đại xưa nhất là đình Xuân Mỹ xây ở thế kỷ XIX, đình Cẩm Phô (1818). Hội An là một khu phố cổ với hệ thống đường sá nhỏ gọn, đan xen như bàn cờ, những mái nhà cổ kính rêu phong.

Một đặc điểm kiến trúc độc đáo khác của Hội An là kiểu nhà phố, đa số là nhà 2 tầng cạnh nhau san sát, hình ống dài 40 đến 60 mét, nhà khung gỗ, mái ngói âm dương và tường bao quanh.

Ngoài nhà phố, Hội An còn có kiến trúc nhà rường, một kiến trúc cổ truyền thống của người Việt. Nhà có khung gỗ, hầu hết các cấu kiện bằng gỗ đều được chạm trổ thành những áng mây, dải lụa, quả bồng, con thú. Có nơi chạm trổ cả những điển tích của Việt Nam cũng như của Trung Hoa. Đó là những căn nhà trên các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai...

Đến thế kỷ XXI, Hội An là nơi gần như duy nhất trên thế giới còn lưu giữ di sản văn hoá đa sắc tộc rất hài hoà mà nổi trội là những kiến trúc nhà, phố, đền, chùa... Hội An với giá trị nhiều mặt về sử học, xã hội học, khảo cổ học, tâm lý học, lưu lại đời sau bức tranh kinh tế-xã hội một thời rất phồn thịnh.

Hội An đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới trong kỳ họp lần thứ 23 diễn ra từ ngày 29/11-5/12/1999.

Phát triển du lịch từ các di sản

Hành trình di sản Quảng Nam - một điểm đến hai di sản đã trở thành tour du lịch không thể thiếu trong lịch trình của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với miền Trung Việt Nam.

Tại Hội An, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng của các hoạt động phục vụ du lịch, hoạt động nghệ thuật “Đêm phố cổ”- một sản phẩm du lịch truyền thống, đã mang một sức hấp dẫn đặc biệt, trở thành một trong những thương hiệu du lịch được trao giải thưởng quốc tế “The Guide Awards.”

Với việc tổ chức định kỳ vào các ngày 14 âm lịch hàng tháng, “Đêm phố cổ” đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan, hòa mình vào các hoạt động.

Phố đêm với hàng nghìn chiếc đèn lồng, đèn hoa đăng mờ mờ ảo ảo bập bềnh trên dòng sông Hoài, những hội thơ, hội bài chòi và cả những chiếu cờ góc phố, cùng gánh hàng rong ẩm thực đặc trưng xứ Quảng... tất cả đã làm nên nét độc đáo, nét đặc trưng của Hội An.

Và chỉ có ở nơi đây người ta mới như được trở về với nguồn cội trong đêm phố cổ huyền ảo giữa không gian rêu xanh cố kính lung linh sắc màu cổ tích.phố cổ hội an

Tạm rời không gian phố cổ Hội An, đến với khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn, du khách sẽ được khám phá những giá trị văn hóa của Vương quốc Chămpa cổ. Trước đây, khi đến với Mỹ Sơn, du khách phải đi bộ gần 3km, men theo những lối mòn dân sinh trong đường rừng, dịch vụ khá sơ sài hầu như chưa có gì.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường, khu dịch vụ tiếp đón, lượng khách tới Mỹ Sơn đã tăng đột biến hàng năm.

Vai trò của di sản trong phát triển du lịch là điều thấy rõ, lượng khách đến ngày càng đông, đã tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động xã hội liên quan. tạo động lực mạnh mẽ để đưa tỉnh Quảng Nam phát triển trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung.

Năm 2019, ngành du lịch Quảng Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng khi nhận nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, trong đó thương hiệu Hội An được nhiều tạp chí uy tín trên thế giới vinh danh, trang tin CNN của Mỹ đã ca ngợi Hội An là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á, Hội An thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.

Tạp chí Travel +Leisure của Mỹ đã công bố danh sách 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới, trong đó Hội An đứng đầu bảng với 90,93 điểm. Trang chủ Google đã vinh danh Hội An qua biểu tượng Google Doodle… Ngoài ra, nhiều danh hiệu danh giá khác dành cho các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Quảng Nam.

Theo Vietnam+  - Ngày 23/12/2020

https://www.vietnamplus.vn/quang-nam-phat-huy-thuong-hieu-mot-diem-den-hai-di-san-the-gioi/618817.vnp